Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh

16:1' 1/11/2022

Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; gần đây là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Thông qua hoạt động giám sát nhằm đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND các cấp đề ra.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước ở địa phương thông qua việc HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu theo dõi, xem xét, đánh giá việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND ở địa phương; phát hiện những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những hạn chế, vướng mắc và vi phạm trong thực thi pháp luật để kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh. Hoạt động giám sát nói chung, các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh đã thể hiện rõ vấn đề này; những đánh giá, kiến nghị rất cụ thể, rất sát, không còn có nội dung nhầm lẫn giữa giám sát với thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng giám sát nặng về phát hiện hạn chế, vi phạm, nhẹ về phát hiện, tổng kết kinh nghiệm hay, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đối tượng chịu sự giám sát cũng nhận thức đầy đủ hơn, không coi giám sát là kiểm tra để khen thưởng, kỷ luật, đánh giá xếp loại, quan tâm đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Kết quả của giám sát là cơ sở cho việc thực hiện chức năng quyết định, ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh…Chính vì vậy nên việc nâng chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND cấp tỉnh trong điều kiện hiện nay là rất quan trọng.

Nhận thức được vấn đề quan trọng trong chức năng giám sát, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (nhiệm kỳ 2021-2026), HĐND tỉnh đã phát huy kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, tiếp tục nâng chất lượng hoạt động; trong đó, hoạt động giám sát được Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND quan tâm đặc biệt, dành nhiều tâm huyết tổ chức thực hiện và đã đạt kết quả nổi bật, từng bước đổi mới, nâng chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung. Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh gần đây đa dạng, linh hoạt hơn cả về hình thức, phương thức và nội dung giám sát. Trong đó, HĐND giám sát tại các kỳ họp thông qua việc xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp và các Ban HĐND tỉnh; chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành. Giữa hai kỳ họp, HĐND tỉnh giám sát thông qua việc xem xét các quyết định của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh thực hiện trên 20 cuộc giám sát trên các lĩnh vực. Chỉ riêng năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát các nội dung như: Thường trực HĐND tỉnh xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện dự toán thu, chi ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển; báo cáo kết quả thực hiện nội dung trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh; báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và các báo cáo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo; báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Thực hiện 02 cuộc Giám sát các chuyên đề và báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp trong năm 2022 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là cơ sở nhà, đất, công trình và tài sản khác gắn liền với đất không còn sử dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Việc thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 03/12/2020 về kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự biến động về đất đai trong giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, xem xét, cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về: Việc quản lý, sử dụng diện tích đất được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng (từ năm 2011 đến năm 2020) trước khi báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022; Công tác thu hút đầu tư, cấp phép đầu tư và quản lý dự án ngoài ngân sách nhà nước (từ 2019 đến tháng 6/2022) trước khi báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022. Xem xét báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 (trước khi báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022); Sau kỳ họp thường lệ cuối 2021 và trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 (trước khi báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Xem xét việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh của cơ quan chức năng.

Các Ban HĐND tỉnh giám sát và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh các chuyên đề như: Ban Pháp chế: - Việc chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022). Việc chấp hành pháp luật về một số lĩnh vực trong hoạt động bổ trợ tư pháp (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Ban Văn hóa - Xã hội giám sát Việc thu hút đầu tư, phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn tinh (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022) Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến năm 2021 (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Ban Dân tộc giám sát: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022); Việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2022 (báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh thực hiện hàng chục lượt khảo sát trên các lĩnh vực để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

 

 

Đồng chí Tiêu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh,

Trưởng Đoàn giám sát làm việc với các địa phương

 

Thực tế hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh là hoạt động giám sát chuyên đề và gần như giám sát chuyên đề đã bao hàm các hình thức giám sát khác, thường các nội dung giám sát chuyên đề là những vấn đề lớn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân ở địa phương. Về cách thức giám sát của HĐND tỉnh đa dạng hơn, thông qua 02 hình thức cơ bản là giám sát trực tiếp đối tượng giám sát, xem xét báo cáo và các tài liệu liên quan làm rõ vấn đề; đặc biệt, trong giám sát gần đây có chú ý kết hợp khảo sát thực tế tại thực địa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm xem xét đúng thực tế, nắm bắt thông tin để đánh giá khách quan, toàn diện vấn đề, đảm bảo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND vừa bao quát, vừa chuyên sâu, có sự kết hợp đồng bộ các khâu, các hình thức giám sát. Việc thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương thức giám sát giúp cho các cuộc giám sát của HĐND tỉnh đánh giá đúng, sát tình hình và kết quả thực hiện của vấn đề giám sát. Sau giám sát, nhiều vấn đề về thẩm quyền, trách nhiệm được làm rõ. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kịp thời, các ngành có văn bản triển khai thực hiện, tích cực vào cuộc, chấn chỉnh những vi phạm, tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự chuyển biến rất tích cực, được đại biểu và cử tri theo dõi.

Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động giám sát của HĐND nói chung, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các Ban HĐND còn một số khó khăn nhất định; một số cuộc giám sát có nội dung các đoàn giám sát chọn nhiều cơ quan, đơn vị khảo sát, giám sát nên thời gian cuộc giám sát kéo dài; thành viên đoàn giám sát tham gia chưa đầy đủ các buổi giám sát, khảo sát do nhiều thành viên các Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm, phần lớn là lãnh đạo các sở, ban, ngành, công việc chuyên môn nhiều nên khó khăn trong việc bố trí thời gian cho hoạt động giám sát, khảo sát; phương án mời chuyên gia tư vấn về vấn đề giám sát chuyên sâu chưa thực hiện được rộng rãi; công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ cho đoàn giám sát có mặt hạn chế; có địa phương, cơ quan, đơn vị chuẩn bị chưa tốt các điều kiện phục vụ hoạt động khảo sát, giám sát nên ảnh hưởng đến chất lượng khảo sát, giám sát…Bên cạnh đó, một số kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời, có kiến nghị để kéo dài phải tiếp tục kiến nghị; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh còn ít… Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian qua.

 

Đoàn giám sát khảo sát thực địa

 

Để tiếp tục nâng chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Một là, các ngành cần nhận thức đúng, đủ quy định pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Mỗi chủ thể giám sát của HĐND có đối tượng giám sát khác nhau và được pháp luật quy định rất cụ thể (Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban cảu HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND).

Hai là, Chương trình giám sát: Xây dựng chương trình giám sát hàng năm phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khả năng triển khai hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND; chương trình giám sát phải bảo đảm được triển khai trên thực tế, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát.

 Ba là, xác định nội dung giám sát phải chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm; đúng là đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đúng vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ được UBND và các ngành tích cực vào cuộc giải quyết, đáp ứng sự phát triển của địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trúng là trúng thời điểm, trúng trọng tâm và kết quả giám sát phải phản ánh đúng tình hình, kết quả thực hiện. Đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở đề xuất của các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, nội dung giám sát chuyên đề, chất vấn đã được Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc, lựa chọn kỹ, với phương châm đảm bảo toàn diện các lĩnh vực và giám sát những gì nổi cộm nhất, cần thiết nhất, đúng thời điểm nhất.

Bốn là, xây dựng kế hoạch/phương án giám sát: Yêu cầu trong khâu này phải tuân thủ đúng, đủ trình tự giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Trong đó cần Lưu ý:

Căn cứ Chương trình giám sát, HĐND ra Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Thường trực HĐND quyết định thành lập Đoàn giám sát, Ban HĐND thành lập Đoàn giám sát. Trong Nghị quyết, Quyết định thành lập Đoàn giám sát yêu cầu bắt buộc phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát; thành phần đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Trong bước này cần lưu ý đặc biệt đến mời, chọn thành viên đoàn giám sát và phân công thành viên tổ giúp việc. Tổ giúp việc tiến hành khảo sát trước để thu thập thông tin, tài liệu báo cáo đến từng thành viên Đoàn giám sát. Thực tế thời gian qua việc thành lập các Tổ giúp việc cho các đoàn giám sát bước đầu mang lại hiệu quả nhất định; tổ giúp việc phải nghiên cứu chuyên sâu, tham vấn ý kiến của các ngành liên quan, thành viên đoàn giám sát và chuyên gia để xây dựng đề cương chất lượng; đề cương càng chi tiết, cụ thể sẽ giúp cho việc phát hiện vấn đề dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phải xây dựng nhiều đề cương cho các đối tượng giám sát khác nhau vì mỗi đối tượng giám sát có chức năng nhiệm vụ khác nhau, cần tránh xây dựng đề cương chung chung, áp dụng cho nhiều đối tượng.

Năm là, Thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động giám sát là khâu rất quan trọng để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Thành viên đoàn giám sát, tổ giúp việc phải thu thập thông tin từ 02 nguồn: Thông tin chính thức và thông tin tham khảo; trong đó nguồn thông tin tham khảo được tiếp cận ở nhiều kênh (báo chí, dư luận..) đây là những thông tin hữu ích cho hoạt đông giám sát.

Sáu là, Phản ánh kết quả giám sát: Luật quy định rõ phản ánh kết quả giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các Đoàn giám sát: HĐND báo cáo hoạt động giám sát trước cử tri địa phương thông qua phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; Thường trực HĐND báo cáo hoạt động giám sát trước HĐND; các Ban HĐND báo cáo hoạt động giám sát trước HĐND và Thường trực HĐND; Tổ đại biểu HĐND báo cáo hoạt động giám sát với đại biểu HĐND trong tổ và Thường trực HĐND.

Đối với các Đoàn giám sát chuyên đề việc phản ánh kết quả giám sát cũng rất chặt chẽ: Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích họp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có  quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm. Kết thúc cuộc giám sát chuyên đề Đoàn giám sát của HĐND báo cáo kết quả giám sát để HĐND xem xét ở kỳ họp gần nhất (trước khi báo cáo HĐND, Đoàn giám sát phải báo cáo Thường trực HĐND); Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thì chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát phải báo cáo để HĐND xem xét, quyết định. Đối với Đoàn giám sát của các Ban HĐND tỉnh thì chậm nhất 10 ngày kể từ khi hoạt động giám sát kết thúc, Đoàn giám sát phải báo cáo kết quả giám sát với Ban HĐND (Lưu ý: Báo cáo giám sát phải nêu rõ kiến nghị và biện pháp cần thiết).

Bảy là, Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát. Cần thiết tiếp tục tái giám sát hoặc đưa những nội dung đó ra chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử./.

Hoàng Thanh Liêm - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh