BÁO CÁO TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY

7:50' 17/9/2012

Thực hiện công văn số 41/BCTĐB ngày 16/6/2006 của Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới với những nội dung cụ thể như sau:
PHẦN I
CƠ CẤU, TỔ CHỨC VÀ VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN CÁC CẤP
TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY
A. CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP:
I. Cơ cấu đại biểu HĐND:
Tổng số đại biểu HĐND 3 cấp tỉnh Bình Thuận được bầu từ đầu nhiệm kỳ là: 3.810 đại biểu; trong đó cấp tỉnh 52 đại biểu, cấp huyện 344 đại biểu và cấp xã 3.414  đại biểu. Do có sự biến động về đại biểu (bãi nhiệm, miễn nhiệm, chuyển công tác, từ trần...), một số địa phương có sự điều chỉnh địa giới hành chính (thành lập thị xã La Gi và huyện Hàm Tân mới) nên số đại biểu HĐND các cấp có sự thay đổi như sau:

Số
TT
Đơn vị
hành chính
Đầu
nhiệm
kỳ
Nguyên nhân tăng, giảm
Tổng số hiện nay
Bị bãi nhiệm
Miễn nhiệm
Từ trần
Chuyển công tác
Bầu bổ sung
01
Cấp tỉnh
52
 
 
 
 
 
52
02
Cấp huyện
344
 
 
 
4
25
365
03
Cấp xã
3.414
6
5
5
1
86
3.483

Nhìn chung, cơ cấu đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ này được bố trí hợp lý hơn bảo đảm được tính đại diện của HĐND. Trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn của đại biểu được nâng lên rõ rệt, thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND theo quy định của Luật. Tuyệt đại đa số đại biểu giữ gìn phẩm chất đạo đức, được nhân dân tín nhiệm. Số đại biểu là nữ dân tộc, ngoài Đảng tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Đại biểu là phụ nữ ở cấp tỉnh 15,38%, cấp huyện chiếm tỷ lệ 22,7%, cấp xã chiếm tỷ lệ 19,97%; đại biểu là người ngoài Đảng cấp tỉnh 3,85%  cấp huyện 9,86% và cấp xã 21%;đại biểu là người dân tộc cấp tỉnh 3,8%, cấp huyện 9,3%, cấp xã 22,7%. Đại biểu có trình độ đại học và sau đại học ở cấp tỉnh 98,07% (tăng 19,77%), cấp huyện 51,16% (tăng 9,02%), cấp xã 5,57% (tăng 3,14%).
II. Cơ cấu, tổ chức Thường trực HĐND:
  Tại kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2004 - 2009, HĐND cấp tỉnh đã bầu đủ số lượng Thường trực HĐND gồm 1 Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm, 1 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên Thường trực HĐND chuyên trách. Ở cấp huyện, có 10 đồng chí Chủ tịch HĐND là Bí thư, Phó Bí thư Huyện, Thị ủy, Thành ủy kiêm nhiệm.Ở cấp xã, trong số 126 Chủ tịch HĐND thì có 111 đồng chí là Bí thư hoặc Phó Bí thư kiêm nhiệm.
Qua thực tế hoạt động, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương. Việc bố trí chức vụ Chủ tịch HĐND là cán bộ chủ chốt của Đảng đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của HĐND, giúp cho việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy Đảng vào hoạt động của HĐND các cấp kịp thời và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của HĐND.
  III. Cơ cấu, tổ chức các Ban HĐND:
1. Đối với cấp tỉnh:
HĐND tỉnh thành lập 3 Ban (không có Ban Dân tộc):  Ban Kinh tế - Ngân sách có 07 thành viên; Ban Văn hóa - Xã hội có 09 thành viên; Ban Pháp chế có 07 thành viên. Ban Kinh tế - Ngân sách có Trưởng Ban và hai Ban còn lại có Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách, tạo điều kiện tăng cường năng lực giám sát và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
2. Đối với cấp huyện, thành phố:
HĐND các huyện, thành phố đều thành lập đủ 2 Ban. Mỗi Ban có từ 5-7 thành viên, Trưởng và Phó Ban đều hoạt động kiêm nhiệm. Hầu hết, thành viên các Ban là cán bộ chủ chốt của các ngành, địa phương lại kiêm nhiệm công tác HĐND nên trong quá trình hoạt động của Ban cũng gặp khó khăn nhất định.
Nhìn chung, với cơ cấu tổ chức HĐND các cấp, qua thực tế nửa nhiệm kỳ hoạt động, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND các cấp ngày càng được nâng lên. Đại biểu HĐND các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Hoạt động của HĐND các cấp cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Luật và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua.
B. VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HĐND CÁC CẤP.
I. Khái quát về việc thực hiện các chức năng của HĐND các cấp:
1. Chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương:
HĐND các cấp trong tỉnh ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và những kiến nghị của cử tri đã được HĐND các cấp quan tâm thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, hướng dẫn cải tiến nội dung và hình thức để các hoạt động này ngày càng có hiệu quả thiết thực. Công tác tiếp dân được duy trì vào ngày 15 hàng tháng. Việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng được HĐND các cấp coi trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tiếp nhận 3.893 đơn, trong đó cấp tỉnh 948 đơn, cấp huyện 1.112 đơn, cấp xã 1.833 đơn, đã nghiên cứu và chuyển đến các cơ quan hữu quan để xem xét, giải quyết và đôn đốc trả lời cho nhân dân được kịp thời cũng như chuyển những kiến nghị của cử tri đến UBND các cấp xem xét, giải quyết. Vì vậy, HĐND ngày càng được nhân dân tin tưởng hơn, quan tâm đến hoạt động của HĐND nhiều hơn.
2. Về quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương:
Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND các cấp trong tỉnh đã thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương mà pháp luật quy định.
  Trên cơ sở quy định của pháp luật, HĐND các cấp đã quyết định nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; thu - chi ngân sách; quyết định các vấn đề có liên quan đến xây dựng chính quyền, chăm lo đời sống của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã ban hành 1.844 nghị quyết (có 759 nghị quyết chuyên đề), trong đó: cấp tỉnh 46 nghị quyết (có 21 nghị quyết chuyên đề), cấp huyện 268 (128 nghị quyết chuyên đề), cấp xã 1.530 (610 nghị quyết chuyên đề). Các nghị quyết do HĐND các cấp ban hành đã kịp thời cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương được nhân dân đồng tình thực hiện. Quá trình chuẩn bị ban hành các nghị quyết, HĐND các cấp trong tỉnh luôn coi trọng việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ 103 nghị quyết không còn phù hợp với quy định của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
  II. Về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp:
  1. Thực hiện và bảo đảm thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên:
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, HĐND các cấp luôn bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước cấp trên trong việc thảo luận quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; việc ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu - chi ngân sách, an ninh - quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng như trong hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật đều thực hiện theo quy định Nhà nước và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
          2. Về hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân:
 - Để chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Thường trực HĐND các cấp có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung và thời gian tiếp xúc cử tri. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn đó, các Tổ đại biểu HĐND tổ chức họp Tổ để thống nhất nội dung, phân công đại biểu tiếp xúc cử tri và thông báo lịch tiếp xúc cử tri cho Thường trực HĐND. Công tác tiếp xúc cử tri được các đại biểu HĐND các cấp thực hiện khá tốt, thông qua đó thu thập và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND và báo cáo kết quả kỳ họp HĐND để cử tri nơi mình ứng cử theo dõi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay,  có 98% đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện 726 lượt tiếp xúc cử tri; đại biểu HĐND cấp huyện thực hiện 1.792 lượt; đại biểu HĐND cấp xã thực hiện 11.314 lượt. Qua tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu HĐND các cấp đã tiếp nhận được 21.184 kiến nghị của cử tri, trong đó: cấp tỉnh 1.294 kiến nghị, cấp huyện 6.200 kiến nghị, cấp xã 13.690 kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam kịp thời tổng hợp và chuyển đến UBND các cấp để xem xét, giải quyết. Đối với các kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc các vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm được UBND các cấp và các ngành liên quan trả lời tại các kỳ họp của HĐND và được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri theo dõi và giám sát. Việc đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được các Tổ đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các lần tiếp xúc, ngoài việc tổng hợp báo cáo đầy đủ cho Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Tổ có chú ý rà soát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng. Có Tổ đã phân công một số đại biểu chủ động trực tiếp làm việc với một số ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh để phản ánh và yêu cầu giải quyết.  
- Thường trực HĐND các cấp duy trì hoạt động tiếp công dân theo định kỳ hàng tháng và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Thường trực HĐND chuyển đến. Để đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng thời hạn Luật định, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cũng đã tiến hành rà soát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến UBND tỉnh, các sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Qua rà soát, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản đôn đốc các cơ quan, địa phương sớm xem xét, giải quyết đối với những trường hợp khiếu nại tố cáo đã quá thời hạn Luật định.
  Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri ở một số đại biểu HĐND chưa đầy đủ; công tác tiếp dân của Thường trực HĐND một số xã chưa theo định kỳ quy định; việc thực hiện chức năng giám sát và đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế.
3. Về hoạt động thẩm tra:
 Trên cơ sở giám sát tại các địa phương, đơn vị, các Ban HĐND đã chủ động xây dựng báo cáo giám sát chuyên đề về những vấn đề bức xúc nổi lên qua giám sát trình kỳ họp HĐND. Trước kỳ họp HĐND, các Ban HĐND đều tổ chức họp Ban để thông qua các báo cáo giám sát, thẩm tra tại kỳ họp. Nội dung các báo cáo giám sát và thẩm tra của Ban tại kỳ họp ngày càng đi vào trọng tâm, có chất lượng hơn, chỉ ra những tồn tại, phân tích nguyên nhân và nêu được những kiến nghị, giải pháp có tính thuyết phục và khả thi, được sự đồng tình nhất trí của đại biểu HĐND làm cơ sở để HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, sát với thực tế.
  4. Chuẩn bị kỳ họp HĐND:
Thường trực HĐND các cấp tập trung lãnh đạo chặt chẽ việc chuẩn bị các kỳ họp, phối hợp với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các Ban HĐND thống nhất dự kiến nội dung, chương trình và thời gian tiến hành kỳ họp; phân công cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị báo cáo và những vấn đề đã thống nhất đưa ra kỳ họp; phân công các Ban HĐND tổ chức giám sát, thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam hướng dẫn các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Tại các kỳ họp, các Tổ đại biểu HĐND phân công đại biểu chuẩn bị tham gia các báo cáo, đề án hoặc phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Nội dung kỳ họp được lựa chọn và chuẩn bị trước kỳ họp gần 3 tháng và được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước kỳ họp, các báo cáo, tờ trình phục vụ kỳ họp đã được gửi đến cho đại biểu theo đúng thời gian quy định.  
          5. Về kỳ họp và việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương:
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tiến hành 06 kỳ họp thường kỳ và 01 kỳ họp bất thường; HĐND các huyện, thị xã, thành phố 52 kỳ họp (08 kỳ họp bất thường); HĐND cấp xã đã tiến hành 860 kỳ họp (92 kỳ họp bất thường). Thời gian tiến hành kỳ họp ở cấp tỉnh khoảng từ  3 - 4 ngày, cấp huyện từ 2 - 3 ngày và cấp xã từ 1 - 2 ngày.
Nhìn chung đa số đại biểu HĐND 3 cấp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hoạt động và tham dự đều đặn các kỳ họp HĐND. Tỉ lệ đại biểu dự họp HĐND khá cao, cấp tỉnh trung bình mỗi kỳ họp có 92, 5% đại biểu tham dự; cấp huyện 93,1%; cấp xã 91%. Do các báo cáo, tờ trình phục vụ kỳ họp đã được gửi đến trước cho đại biểu nên tại các kỳ họp đã giảm bớt thời gian đọc báo cáo tại hội trường mà chỉ đọc báo cáo tóm tắt, dành nhiều thời gian để đại biểu tham gia ý kiến thảo luận. Các ý kiến phát biểu của đại biểu đều có nghiên cứu chuẩn bị trước, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề trọng tâm của kỳ họp, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề để HĐND xem xét, quyết định (tỉ lệ đại biểu HĐND các cấp tham gia thảo luận tại kỳ họp cấp tỉnh 45%, cấp huyện 44,3%, cấp xã 43,2%). Việc điều hành kỳ họp được Chủ tọa kỳ họp quan tâm cải tiến, đã bám sát vào chương trình làm việc, tạo điều kiện cho các đại biểu đi sâu thảo luận, tranh luận, đảm bảo yêu cầu nội dung và thời gian, đồng thời phát huy dân chủ của đại biểu tại các kỳ họp HĐND.
Tại các kỳ họp, HĐND đã xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách; cho ý kiến về báo cáo công tác của HĐND, UBND và các ngành chức năng. Nhìn chung, các nghị quyết do HĐND các cấp ban hành sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Ngoài việc quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu, chi ngân sách của địa phương…HĐND các cấp còn xem xét, thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng khác như: về Chính sách dân số, về chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2007 - 2010…; về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án chỉnh trang trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc đến năm 2015 (huyện Hàm Thuận Bắc); về cơ chế chi khen thưởng đối với hoạt động kinh doanh mua bán hàng nông sản, hải sản nộp thuế theo phương pháp khấu trừ năm 2004 (huyện Bắc Bình); chương trình giảm nghèo; chương trình thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010; về đề án chuẩn quốc gia y tế xã, thị trấn giai đọan 2004 - 2009; về đề án xây dựng nhà văn hóa gắn với trụ sở thôn giai đoạn 2005 - 2008 (huyện Tánh Linh)… Các nghị quyết do HĐND các cấp ban hành đã kịp thời cụ thể hoá những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, làm cơ sở cho UBND, các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện nhằm phát triển các mặt kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn về công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, hoạt động của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; về nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND và hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh.
Nhìn chung, việc chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng luật, dân chủ, công khai. Tính hình thức trong các kỳ họp đã được khắc phục. Chất lượng các ý kiến phát biểu đã được nâng lên. Nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương đã được HĐND xem xét, thảo luận kỹ trước khi quyết định.
Tuy nhiên, so với nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, kỳ họp HĐND ở một số ít địa phương, nhất là cấp xã chưa được coi trọng đúng mức, các kỳ họp chưa được tổ chức theo đúng thời gian quy định, nội dung kỳ họp nhiều trong khi thời gian hạn chế nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp. sau kỳ họp, việc hoàn chỉnh các văn bản và gửi báo cáo theo quy định còn một số thiếu sót về hình thức văn bản, báo cáo không đầy đủ. Một số xã chưa kịp thời cụ thể các nghị quyết HĐND để triển khai thực hiện, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước được nâng lên. Tuy vậy, số đại biểu tham gia chất vấn còn ít; việc trả lời chất vấn của một số cơ quan, ngành liên quan còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm; việc giám sát thực hiện những nội dung trả lời chất vấn chưa được coi trọng.
6. Về thực hiện nghị quyết của HĐND:
Sau các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND các cấp có văn bản hướng dẫn nội dung tiếp xúc cử tri, thông báo kết quả kỳ họp, giám sát UBND và các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra UBND cùng cấp trong việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND. Thông qua các buổi dự họp với UBND, các ngành cũng như yêu cầu các Ban HĐND giám sát, khảo sát tình hình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của cấp trên cũng như làm việc ở các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đã kịp thời kiến nghị với UBND, các ngành chức năng có các biện pháp để thực hiện tốt nghị quyết HĐND.
  7. Về hoạt động giám sát của HĐND:
HĐND các cấp đã có nhiều cố gắng, duy trì thường xuyên hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tổ chức được 1.964 đợt giám sát, trong đó: cấp tỉnh 224 đợt, cấp huyện 926 đợt, cấp xã 814 đợt. Nội dung giám sát đã tập trung vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên và nghị quyết HĐND tỉnh.
Hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thông qua các hình thức theo dõi và tham dự các cuộc họp do UBND cùng cấp tổ chức để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tại các cuộc họp định kỳ, thông qua các cuộc làm việc với các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn trong tỉnh. HĐND cấp tỉnh cũng đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tổ chức các đợt giám sát về tình hình thực hiện chế độ cử tuyển, đào tạo và sử dụng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; về công tác khám chữa bệnh cho người nghèo; về thực hiện chính sách lao động, việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động; việc thực hiện chương trình 135 từ năm 1999 - 2005 trên địa bàn tỉnh. Kết quả giám sát của HĐND đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, phản ánh thực tế từ cơ sở để HĐND yêu cầu UBND có biện pháp giải quyết, điều chỉnh; nhiều vấn đề đã được xử lý khá kịp thời và có hiệu quả để bảo đảm việc thi hành các quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của một số HĐND các cấp chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là cấp huyện, xã; hiệu quả giám sát còn nhiều hạn chế.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp ngày càng được HĐND các cấp coi trọng. Phát huy tính dân chủ và công khai trong hoạt động của HĐND, HĐND tỉnh đã tổ chức truyền hình trực tiếp phiên họp khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. HĐND một số huyện không có điều kiện truyền hình trực tiếp, đã công khai kỳ họp trên hệ thống phát thanh của địa phương để nhân dân theo dõi. Việc làm này đã góp phần tích cực tuyên truyền về hoạt động của HĐND, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và dành thời gian phù hợp của kỳ họp cho hoạt động này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ về nội dung trả lời theo yêu cầu của đại biểu HĐND. Chủ toạ kỳ họp cũng đã có nhận xét, đánh giá đối với lãnh đạo các cơ quan trả lời chưa đúng trọng tâm nội dung chất vấn của đại biểu và yêu cầu tiếp tục trả lời tại kỳ họp sau.
8. Mối quan hệ của HĐND với các cơ quan và tổ chức hữu quan:
HĐND đã đảm bảo các mối quan hệ và phối hợp công tác với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp theo Luật định.
a) HĐND các cấp luôn tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, coi đây là nguyên tắc, là yếu tố quyết định bảo đảm chất lượng và hiệu quả cho mọi hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Cấp ủy đã lãnh đạo, định hướng hoạt động HĐND thông qua Đảng Đoàn HĐND (cấp tỉnh). Các nghị quyết HĐND các cấp ban hành thể hiện sự quán triệt các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ mà nghị quyết của các cấp ủy Đảng đã đề ra. Thường trực cấp ủy thường xuyên tổ chức giao ban các Thường trực theo định kỳ để nghe phản ánh tình hình hoạt động và kịp thời chỉ đạo chung.
b) Đối với UBND các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị các báo cáo, tờ trình để trình HĐND xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND; kiểm điểm và báo cáo với HĐND trong việc chỉ đạo điều hành hoạt động của UBND tại các kỳ họp HĐND.
UBND đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, ở một vài địa phương UBND chưa phối hợp chặt chẽ với HĐND, chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời các ý kiến mà đại biểu HĐND, các Ban HĐND nêu lên qua hoạt động giám sát.
c) Thường trực HĐND các cấp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tại các kỳ họp, HĐND các cấp đều dành thời gian để nghe Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam báo cáo tình hình tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những kiến nghị cụ thể, tạo thêm cơ sở thuận lợi để HĐND xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Đặc biệt Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp khá chặt chẽ với Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã tổ chức chu đáo các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp ngày càng bảo đảm chất lượng tốt hơn.
d) Trong mối quan hệ giữa HĐND tỉnh với Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội,  Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp tốt với Đoàn Đại biểu Quốc hội trong việc tổ chức lấy ý kiến các dự án Luật, Pháp lệnh và trong một số hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương; các vị đại biểu Quốc hội khóa XI thường xuyên tham dự các kỳ họp HĐND tỉnh.
e) HĐND cấp trên đã thực hiện vai trò giám sát đối với HĐND cấp dưới trong việc tuân thủ việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương. Căn cứ vào nghị quyết HĐND cấp trên, HĐND cấp dưới ban hành nghị quyết về kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách bảo đảm sự phù hợp với những mục tiêu lớn mà HĐND cấp trên đã ban hành.
Thường trực HĐND tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp huyện; tham dự các kỳ họp HĐND; duy trì chế độ làm việc với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố và các Ban HĐND nhờ vậy đã nắm bắt tương đối kịp thời những vấn đề phát sinh trong hoạt động của HĐND cũng như trong quá trình tổ chức triển khai nghị quyết của HĐND để có cơ sở xem xét, hoặc đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời.
f) Đối với Toà án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, HĐND tỉnh và huyện đều duy trì chế độ báo cáo công tác của hai ngành nói trên tại kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND cũng đã thường xuyên tham dự những cuộc họp do Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp mời để trao đổi những vấn đề mà hai bên quan tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định.
Thường trực HĐND cũng đã chú ý tạo điều kiện để Đoàn Hội thẩm nhân dân hoạt động, giữ mối quan hệ thường xuyên với Đoàn, tham gia góp ý kiến giúp Đoàn nâng dần chất lượng tham gia hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
9. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND:
Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động HĐND các cấp khá thuận lợi như kinh phí hoạt động của HĐND, hoạt động phí của đại biểu, bảo hiểm y tế cho những đại biểu HĐND không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, những thông tin tài liệu có liên quan đến hoạt động HĐND được thực hiện đầy đủ. Từ đầu nhiệm kỳ, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND. HĐND cấp tỉnh đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tham gia tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND do Bộ Nội vụ tổ chức. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động cho 287 đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, để từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND cấp xã, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức biên soạn và phát hành tập tài liệu tham khảo về hoạt động của HĐND xã, phường, thị trấn để HĐND cấp xã nghiên cứu, vận dụng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
  Văn phòng HĐND&Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Văn phòng HĐND & UBND các cấp đã có nhiều cố gắng, phục vụ kịp thời hoạt động của Thường trực HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND ở địa phương trong việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri, các hoạt động giám sát cũng như phục vụ có kết quả các kỳ họp của HĐND.
Tóm lại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động HĐND các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, trật tự của địa phương và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Các hoạt động từng bước được đẩy mạnh, dân chủ trong hoạt động HĐND được phát huy. Tích cực cải tiến và nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng hoạt động giám sát, mối quan hệ giữa Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam ngày càng được tăng cường. Công tác tiếp dân và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được coi trọng và quan tâm hơn trước. Những nghị quyết HĐND đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.
 Đạt được những kết quả nói trên, trước hết là do HĐND các cấp đã quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời nắm vững các yêu cầu, xác định được vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật định. Các vị đại biểu HĐND các cấp đã xác định ngày càng rõ hơn trách nhiệm của mình trước cử tri; nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các cấp, các ngành, các địa phương, của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, đồng thời có sự giám sát và động viên của đông đảo cử tri và quần chúng nhân dân tỉnh nhà.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và lòng mong đợi của nhân dân, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý nhất là hoạt động giám sát tuy đã đạt một số kết quả nhưng vẫn còn là khâu yếu, còn thiếu đồng bộ, nhiều kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri chưa được xử lý, giải quyết đến nơi đến chốn. Là người đại biểu của nhân dân nhưng có lúc, có việc, các vị đại biểu HĐND các cấp chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân.
PHẦN II
MỘT SỐ KINH NGHIỆM QUA THỰC TIỄN TỔ CHỨC
 VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND CÁC CẤP
Từ thực tiễn hoạt động HĐND các cấp tỉnh Bình Thuận. Để hoạt động HĐND có chất lượng và hiệu quả thiết thực, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
  1. Trong mọi hoạt động của mình, HĐND các cấp luôn luôn bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy, đây được coi là vấn đề nguyên tắc nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Mặt khác, đề nghị các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo toàn diện đối với các hoạt động của HĐND; trong đó đề nghị có sự chú trọng nhiều hơn về nhân sự là Thường trực HĐND, Trưởng, Phó các Ban HĐND cần được tăng cường những cán bộ có năng lực, trình độ, đủ tiêu chuẩn, có điều kiện hoạt động.
  2. Thường trực HĐND các cấp và các cơ quan Nhà nước hữu quan có kế hoạch bồi dưỡng cho đại biểu HĐND về kỹ năng hoạt động, về kinh nghiệm, về những kiến thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động của đại biểu. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết cho đại biểu, tổ chức tập huấn các chuyên đề để phục vụ hoạt động của HĐND. Mặt khác, mỗi đại biểu HĐND cần xác định đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc tự rèn luyện học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức, nắm vững các quy định của pháp luật và tình hình kinh tế- xã hội ở địa phương để có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.
3. Phải không ngừng nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, cần làm tốt công tác chuẩn bị về nội dung, chương trình, thời gian và các điều kiện khác để phục vụ kỳ họp; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, MTTQ, các Ban HĐND, đồng thời có sự phân công phân nhiệm rõ ràng; các báo cáo, đề án phải được chuẩn bị sớm, đúng quy trình, đủ cơ sở pháp lý, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn. Các báo cáo thẩm tra, thuyết trình của các Ban phải có tính phản biện cao, nêu được chính kiến của Ban để làm cơ sở cho đại biểu HĐND bàn bạc, xem xét, quyết định. Chủ tọa điều hành kỳ họp phải thực hiện đúng nội dung, chương trình đã được HĐND thông qua, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, phát huy được trí tuệ của đại biểu; mặt khác phải linh hoạt bố trí thời gian cho phù hợp với nội dung theo diễn biến của kỳ họp. Những vấn đề cần tập trung thảo luận thì Chủ tọa gợi ý để đại biểu thảo luận.
4. Hoạt động kiểm tra, giám sát cần chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ mục đích, yêu cầu những vấn đề cần kiểm tra, giám sát, tìm ra được những nguyên nhân của tồn tại và đề ra biện pháp để khắc phục. Thành viên các Ban HĐND cần dành thời gian thích đáng để tham gia các hoạt động của Ban một cách thường xuyên.
5. Phải cải tiến phương pháp tiếp xúc cử tri về hình thức, đối tượng và địa điểm. Đại biểu HĐND cần tăng cường đến gặp gỡ tiếp xúc với cử tri là người lao động trực tiếp, cử tri ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để lắng nghe thấu đáo, cụ thể tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời chú ý mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri theo giới, ngành để nắm bắt được nhiều ý kiến trên các lĩnh vực khác nhau. Đại biểu đi tiếp xúc cử tri cần nắm vững chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và có những thông tin cần thiết để giải thích, trao đổi với cử tri về những kiến nghị thuộc thẩm quyền hoặc những kiến nghị đang được các cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết.
6. Cần đảm bảo tốt mối quan hệ giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND với UBND; giữa HĐND với Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận; tăng cường quan hệ trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND cấp tỉnh và Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và giữa HĐND các cấp.
PHẦN III
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HĐND CÁC CẤP
TỪ NAY ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ
  Một số phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ như sau:
  1. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm để HĐND phát huy được vị trí, vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND các cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở địa phương; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để xem xét, quyết định những vấn đề đang đặt ra ở địa phương mình.
2. Không ngừng nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, bảo đảm dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả và đúng Luật. Các báo cáo, tờ trình phải được chuẩn bị kỹ về nội dung, được các Ban HĐND thẩm tra kỹ trước khi trình ra kỳ họp HĐND. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp phải bám sát vào từng lĩnh vực cụ thể và xác định rõ trách nhiệm quản lý của người phụ trách. Các báo cáo thẩm tra phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, có sức thuyết phục, làm cơ sở cho HĐND xem xét, thảo luận và quyết định chính xác những vấn đề quan trọng ở địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
  3. Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
  4. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng của đại biểu HĐND, tạo điều kiện để đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Kiện toàn, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc cho HĐND, bảo đảm có đủ chuyên viên giúp việc cho Thường trực HĐND và các Ban HĐND.
  5. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến các dự án luật, pháp lệnh  theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PHẦN IV
KIẾN NGHỊ
Để góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp, qua hoạt động thực tế tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận xin có một số kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng năm nên có tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động HĐND cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố.
2. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo định kỳ hàng năm hoặc 2 năm một lần nên có tổ chức hội nghị để đánh giá hoạt động HĐND cấp tỉnh trong cả nước để có sự chỉ đạo hướng dẫn kinh nghiệm trong hoạt động của cơ quan dân cử.
3. Hội nghị giao ban các Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố theo khu vực là việc làm rất thiết thực, có hiệu quả, qua đó rút ra được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, hội nghị giao ban các khu vực là do từng khu vực tự bàn bạc, trao đổi về nội dung kể cả hình thức tổ chức. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội nên có chỉ đạo thống nhất về hoạt động này.
4. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND đã có hiệu lực nhưng đến nay chưa có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ về vấn đề này để Thường trực HĐND các cấp thuận lợi trong việc phối hợp với UBND các cấp trong triển khai thực hiện.
5. Theo quy định hiện hành của Nhà nước thì các chức danh kiêm nhiệm trong hoạt động của HĐND các cấp không có chế độ phụ cấp trách nhiệm, trong khi đó các đồng chí này được giao nhiệm vụ phải đầu tư thời gian và công sức để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét về chế độ phụ cấp đối với đại biểu kiêm nhiệm trong hoạt động HĐND các cấp./.