HỒ KA PÉT - CÀNG LÀM SỚM CÀNG CÓ LỢI CHO DÂN

8:24' 29/5/2023

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, ông Mang Văn Nở (thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) lại cùng các hộ dân trong xóm mang cuốc, xẻng về phía cuối con sông Linh đã cạn trơ đáy để đào giếng chắt nước ăn uống, tắm giặt… Nước sinh hoạt không có nói chi nước tưới, vườn thanh long chết héo, ông Nở phải chuyển sang trồng ngô lai. “Chừng nào có hồ Ka Pét mới mong đổi đời” - ngóng trông ấy không chỉ của ông Nở mà còn của trăm nghìn người dân Hàm Thuận Nam.


 

“Hết mưa là hết nước!”

Mới đầu mùa hạ, con sông Linh lớn nhất xã Hàm Cần đã cạn khô, để lộ ra những bãi cát, đá dài hàng chục mét. Bao quanh đó là những cánh đồng cây cỏ héo cháy, bạc phếch. Ở phía cuối dòng, ông Mang Văn Nở cùng mấy người hàng xóm hì hục đào giếng dưới cái nắng chói chang. Bây giờ đất khô rang, ông Nở cũng không xuống giống vụ ngô được mà chỉ lo tìm nước sinh hoạt. “Đào giếng gặp nước thì góp tiền mua máy bơm lên, đợi nước lắng cặn rồi dùng để ăn uống, tắm giặt…, mùa khô năm nào cũng vậy”, ông Nở nói.

Thôn 1, xã Hàm Cần có hơn 500 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ra Glai. Ông Mang Cẩn, Trưởng thôn 1 cho biết, cuộc sống của gần 1.900 nhân khẩu trong thôn và 800ha đất trồng phụ thuộc cả vào nước trời. “Có mưa có nước, hết mưa là hết nước! 100ha thanh long của cả thôn đang thoi thóp chờ mưa, diện tích còn lại đều bỏ không bởi có nước đâu mà trồng”.

Xã Mỹ Thạnh kế bên cũng khát khô như vậy, gần 300 hộ dân đồng bào Rai (Ra Glai) sống nhờ nông nghiệp nhưng chỉ sản xuất được một vụ vào mùa mưa; ông Trần Ngọc Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, các chính sách hỗ trợ đồng bào thoát nghèo không phát huy tác dụng vì không có nước sản xuất; bà con trong xã đều phải đi làm mướn, lượm phân bò hoặc vào rừng kiếm mật ong, trái rụng…, đời sống vô cùng khó khăn.

Có thể gọi Hàm Thuận Nam là “rốn hạn” của tỉnh Bình Thuận. Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn huyện chỉ đáp ứng tưới được khoảng 26% diện tích đất trồng cây hàng năm. Vào cao điểm mùa khô, huyện đều thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngay đầu mùa khô năm nay, huyện đã phải cắt nước tưới thanh long trong một tháng để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tình cảnh ấy khiến người dân Hàm Thuận Nam trông ngóng dự án hồ chứa nước Ka Pét sớm hoàn thành hơn bất cứ ai!

Dự án được phê duyệt thì Covid-19 ập tới…

 Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 do có phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng hơn 162ha rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tổng mức đầu tư của dự án là 585,6 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024 với 3 mục tiêu: (1) cấp nước tưới cho 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; (2) cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm và tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; (3) phòng, chống lũ và cải tạo môi trường sinh thái, điều tiết nước cho vùng hạ du huyện Hàm Thuận Nam và một phần đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dịch Covid-19 ập đến, Bình Thuận cũng như cả nước phải dồn sức chống dịch. Bên cạnh đó, diện tích rừng phải chuyển đổi tương đối lớn, việc điều tra, đánh giá hiện trạng rừng cần nhiều thời gian. Một khó khăn khách quan khác là trượt giá nguyên vật liệu xây dựng, nhân công và nhiều chi phí phát sinh như: tăng chi phí về trồng rừng thay thế do đơn giá tăng; tăng chi phí giải phóng mặt bằng và thiết bị do thay đổi định mức và trượt giá; tăng chi phí xây lắp do thay đổi quy định pháp luật về xây dựng và phải điều chỉnh giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn hồ đập theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước... Những yếu tố đó khiến dự án bị chậm tiến độ và tổng mức đầu tư tăng hơn 288 tỷ đồng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - qua khảo sát thực tế dự án - đánh giá: dự án chậm tiến độ nhưng UBND tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, cố gắng và nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội. “Ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan thì phần lớn là do nguyên nhân khách quan, trong đó thời điểm triển khai dự án là thời điểm cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19”, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban chỉ rõ.

Nếu không có cơ chế đặc thù, không thể hoàn thành vào năm 2025

 Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ khẳng định tổng mức đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tăng bởi nguyên nhân khách quan và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư là cần thiết để triển khai dự án và phát huy hiệu quả đầu tư. 

Cụ thể, Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 874 tỷ đồng (tăng 288,4 tỷ đồng và dự kiến huy động từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025); diện tích sử dụng đất tăng 4,42ha thành 697,7ha; thời gian thực hiện dự án kéo dài 1 năm, đến 2025. Cùng với đó, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung cơ chế đặc thù, cho phép giao UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A.

Với vai trò cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ủng hộ các đề xuất của Chính phủ. Trong phiên thảo luận Tổ về nội dung này sáng 25.5, nhiều đại biểu cũng tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ.

Bình Thuận đã thể hiện quyết tâm rất lớn khi tháng 6.2022, HĐND tỉnh quyết nghị dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 368,8 tỷ đồng cho dự án này. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An, nếu không có cơ chế đặc thù, dự án không thể hoàn thành vào năm 2025, dẫn đến khó khăn trong phân bổ vốn thực hiện ở giai đoạn tiếp theo. Nếu Quốc hội đồng ý cơ chế đặc thù, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2025. “Bình Thuận là tỉnh khô hạn, xây dựng hồ Ka Pét càng sớm thì càng có lợi cho người dân”, ông An nói trong phiên thảo luận Tổ tuần trước tại Nhà Quốc hội.

Ở cuối nguồn sông Linh, ông Mang Văn Nở dừng tay đào giếng, lau mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt sạm đen: “Chừng nào xong hồ Ka Pét tụi tui mới mong đổi đời, mà chắc cũng sắp rồi”, ông Nở nói với niềm trông ngóng…

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân