Quốc hội xem xét không giảm diện tích rừng phòng hộ

16:19' 2/11/2021

BTO- Chiều nay (30/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

 

ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ tham gia thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bình Thuận chiều nay (30/10).

Đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh và các sở, ngành liên quan dự tại điểm cầu Bình Thuận.

Thảo luận trực tuyến, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ tham gia ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất, liên quan đến đất rừng phòng hộ. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2030 cả nước có hơn 5,2 triệu ha, tăng hơn 111 nghìn ha so với năm 2020. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, việc tăng này là cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt nên hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, đi vào quy hoạch cụ thể trong 6 vùng kinh tế - xã hội, có 2 vùng bị giảm diện tích là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (giảm hơn 30 nghìn ha) và vùng Đông Nam bộ (giảm hơn 5,5 nghìn ha) để phát triển kinh tế thì cần tính toán lại. Đối với vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, là vùng có địa hình đồi núi ra sát biển, địa hình dốc, thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở. Nếu giảm diện tích rừng phòng hộ ở khu vực này sẽ làm cho biến đổi khí hậu gia tăng thêm, gây thêm lũ lụt ở khu vực miền Trung và sa mạc hóa ở một số tỉnh phía Nam miền Trung, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Mặt khác, tại trang 8, Tờ trình của Chính phủ có nêu đối với Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung là: “Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn gió, chắn cát… Nâng cao năng lực, phòng chống giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển”. Vì vậy, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ đề nghị Quốc hội xem xét không giảm diện tích rừng phòng hộ ở khu vực này.

Đối với đất công trình năng lượng, quy hoạch đến năm 2030 là hơn 288 nghìn ha, tăng hơn 90 nghìn ha so với năm 2020. Diện tích tăng này khá lớn, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị việc phát triển năng lượng trong thời gian tới là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng điện gió ngoài khơi. Đồng thời, cần chú ý sử dụng diện tích mặt nước của các hồ, đập, các bãi thải để phát triển điện năng lượng mặt trời; cho phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời ở các khu vực đất đồi đá, địa hình dốc không trồng trọt, sản xuất được. Quỹ đất quy hoạch cần ưu tiên xây dựng các đường truyền tải điện.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ kiến nghị Chính phủ trong Quy hoạch điện VIII cần giảm quy hoạch nhiệt điện, thuỷ điện và tăng quy hoạch điện năng lượng tái tạo.

Về đất khu công nghiệp, giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp, tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 lại đặt chỉ tiêu rất cao là hơn 210 nghìn ha, tăng hơn 180 nghìn ha so với năm 2020. Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ cần cân nhắc chỉ tiêu tăng thêm 180 nghìn ha, nên giảm xuống để dành quỹ đất để bố trí cho đất văn hóa và đất thể thao, vì bối cảnh hiện nay trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam và chưa biết lúc nào chúng ta mới khống chế được đại dịch nên việc thu hút đầu tư còn khó khăn. Trong khi đó, quỹ đất dành cho thể thao, cho văn hóa còn hạn chế.

Liên quan đến đất bãi thải, quy hoạch đến năm 2030 là hơn 18 nghìn ha, tăng 10 nghìn ha. Theo đại biểu Đăng Hồng Sỹ, cần tính toán việc tăng diện tích đất bãi thải vì xu hướng tới Việt Nam phát triển bền vững, công nghệ xử lý chất thải sẽ tốt hơn, ít chiếm diện tích đất để làm bãi thải, nên cần tính toán lại việc tăng diện tích đất này. Đồng thời cần có giải pháp để tái sử dụng các bãi thải.

(Phòng Công tác Quốc hội dẫn nguồn tác giả Thu Hà, Báo Bình Thuận)