Một số nội dung mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổI, bổ sung năm 2019)

19:27' 3/9/2020

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi là Luật năm 2019) có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật sửa đổi, bổ sung 05/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi là Luật năm 2019) có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:

1. Quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt, đa dạng hóa

Trước đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật năm 2019 khẳng định: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (khoản 1 Điều 4). Như vậy, theo quy định của Luật năm 2019 thì không phải chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) mà có trường hợp ở một số loại đơn vị hành chính, chính quyền địa phương không phải là cấp chính quyền địa phương và được tổ chức với mô hình phù hợp[1]. Trong đó:

Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị[2] (Điều 44, Điều 58).

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Việc tổ chức các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo thực hiện theo quy định của Chính phủ (khoản 2, khoản 3 Điều 72).

Việc tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó (Điều 75).

2. Quy định rõ hơn về phân quyền, phân cấp, ủy quyền

Luật năm 2019 bổ sung nguyên tắc khi thực hiện phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, phải gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra; bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để chính quyền địa phương thực hiện (điểm e khoản 2 Điều 11); quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện phân cấp, ủy quyền (khoản 3 Điều 13, khoản 2 Điều 14); xác định rõ các chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền (khoản 1 Điều 14). Đồng thời, để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương, Luật quy định rõ: Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác (khoản 1 Điều 12).

3. Giảm số lượng và bổ sung tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Để thực hiện chủ trương chung của Đảng, tiến tới tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, Luật năm 2019 đã quy định giảm số lượng đại biểu các cấp Hội đồng nhân dân. Theo đó, Luật quy định rõ khung số lượng theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng loại hình đơn vị hành chính (khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 53, khoản 1 Điều 60).

Ngoài ra, Luật còn bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch của đại biểu Hội đồng nhân dân: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 Điều 7).

4. Giảm số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Luật năm 2019 đã quy định theo hướng giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cụ thể:

Khác với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Luật năm 2019 quy định số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau: Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 39).

Tương tự số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Luật năm 2019 quy định số lượng Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau: Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban (khoản 3 Điều 18, khoản 3 Điều 39).

Luật quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 02 người xuống còn 01 người (khoản 2 Điều 25, khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 53).  

Với các quy định nêu trên, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không bị giảm đồng loạt số lượng cấp phó mà tùy thuộc vào việc bố trí đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở địa phương đó, trong bất kỳ trường hợp nào thì Hội đồng nhân dân và Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vẫn được bố trí 02 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều bố trí chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm (Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm), còn Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cũng đa số hoạt động kiêm nhiệm, rất ít địa phương bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy, quy định về số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như trên tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương.

5. Thay đổi về cơ cấu thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã

Luật năm 2019 bỏ quy định Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 39).

Luật bổ sung Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã là Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (khoản 2 Điều 32, khoản 2 Điều 60, khoản 2 Điều 67).

6. Tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với cấp xã loại II

Luật năm 2019 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (Luật năm 2015 quy định chỉ có 01 Phó Chủ tịch) (Điều 34, Điều 62, Điều 69)

7. Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã

Luật năm 2019 bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã: Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (khoản 4 Điều 33, khoản 3 Điều 61, khoản 3 Điều 68).

8. Không còn khái niệm “họp bất thường”

Luật năm 2019 đã thay thế cụm từ “họp bất thường” trong Luật năm 2015 thành “họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” (tại các Điều: 78, 80, 97, 113, 114).

Ngoài ra, Luật năm 2019 còn sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 1 Điều 94); về thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 1 Điều 101); về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương (Điều 127); về nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính: Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 128).

Để triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân./.

 

BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH



[1] Theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 thì “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương” là hai thuật ngữ khác nhau. Theo đó, ở tất cả các đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương nhưng không phải mỗi đơn vị hành chính là một cấp chính quyền. Cấp chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ở đâu được coi là cấp chính quyền địa phương thì chính quyền ở đó gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; còn ở đâu không được coi là cấp chính quyền địa phương thì sẽ có cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và dịch vụ công tại địa bàn.

[2] Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì đến 01/7/2021, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường, không có HĐND phường.