Cử tri đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại đợt 1, kỳ họp thứ 2, Quốc hộI Khóa XV

15:0' 17/11/2021

Qua theo dõi đợt 1, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân tỉnh Bình Thuận đánh giá cao hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, các Đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, góp phần đóng góp vào thành công chung của kỳ họp.

 

 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại phiên họp trực tuyến

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp. Qua theo dõi kỳ họp cử tri đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của Quốc hội trong đợt họp trực tuyến. Cử tri cũng tin tưởng rằng trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ có những quyết sách quan trọng nhằm khống chế dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Về hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, bà Bùi Thị Ngọc Bích, cử tri thành phố Phan Thiết đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn của các Đại biểu Quốc hội khi tham gia ý kiến về các vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh hay tham gia góp ý kiến luật. Các đại biểu đã nỗ lực phát huy vai trò của người đại biểu dân cử có ý kiến phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng các Nghị quyết của kỳ họp, công tác lập pháp của Quốc hội, các dự án luật...

Ông Trần Vi Hiệp, cử tri thành phố Phan Thiết cũng đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm tích cực tham gia các ý kiến tại nghị trường Quốc hội. Cử tri tỉnh Bình Thuận cũng mong muốn ngoài các vấn đề chung, đoàn cần quan tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Thuận như: việc đảm bảo môi trường tại khu vực trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, giải quyết mối quan hệ việc quy hoạch khai thác titan, khu vực dự trữ khoáng sản với các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội khác, hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện nội dung "phương án quy hoạch  sử dụng mặt biển, đáy biển thuộc lãnh hải tỉnh Bình Thuận quản lý thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên xuất ngũ, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 55 đoạn km52+640 - km97+692, dự án làm mới đường ĐT 711.

Trong đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến 30/10, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã quan tâm cho ý kiến vào các vấn đề như: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương); Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)…

Góp ý cụ thể liên quan đến cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, trong nội dung mục tiêu có nói đến: Tăng cường chính sách và nâng cao hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế cho thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Đại biểu Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá đây là những nội dung rất phù hợp. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, trước xu thế phát triển và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, cần nhấn mạnh đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Kinh tế xanh hay kinh tế sạch là nền kinh tế hướng tới sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Chiến lược tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng bền vững. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế, cần có chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

 

 

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ phát biểu ý kiến xem xét không giảm diện tích rừng phòng hộ

tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Quan tâm về nội dung dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc lại việc giảm diện tích rừng phòng hộ ở vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Miền Trung vì vùng này địa lý kéo dài, một mặt là đồi núi, một mặt giáp biển, độ dốc rất lớn, khu vực này thường xuyên xảy ra bão lũ, gây thiệt hại rất lớn. Riêng đối với các địa phương Duyên hải Miền Trung có biển thì thường bị sa mạc hóa vì vậy theo đại biểu nếu giảm diện tích rừng phòng hộ sẽ khiến nguy cơ thiên tai và sa mạc hóa ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đại biểu cũng cho rằng nên tăng diện tích đất rừng phòng hộ cho khu vực này.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng tham gia thảo luận, ý kiến về những dự án Luật, Nghị quyết gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An; Thanh Hóa; Thừa Thiên - Huế.

 

 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông

 phát biểu góp ý Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

Quan tâm cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trong thời đại hiện nay ai nắm giữ thông tin là nắm giữ nguồn lực, tài sản rất lớn. Không có cơ sở nào đảm bảo các Công ty Bảo hiểm không cung cấp thông tin khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng và thực tế có rất nhiều công ty công nghệ lớn cung cấp thông tin khách hàng bất hợp pháp mà các phương tiện thông tin trong thời gian qua. Do vậy đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

 

 

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh phát biểu góp ý Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động

Đối với dự án luật Cảnh sát Cơ động, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị ban soạn thảo giải thích, bổ sung 1 số từ, cụm từ cho phù hợp, đồng thời tại điều 13 đại biểu Linh thống nhất với phương án 1 chỉ nên quy định về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, giao Bộ trưởng Bộ công an quy định chi tiết điều này để để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Đánh giá về đợt 1, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An cho rằng tuy đây là lần thứ 2, Quốc hội tổ chức họp trực tuyến nhưng chất lượng kỳ họp đảm bảo, đại biểu tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Riêng đối với phần thảo luận tổ ở địa phương, tất cả các đại biểu tham gia góp ý rất tâm huyết. Đặc biệt là nhiều ý kiến thảo luận xác đáng, sâu sắc, phù hợp với thực tiễn cuộc sống đặt ra./.

(Phòng Công tác Quốc hội dẫn nguồn tác giả Lê Trang - Cổng thông tin điện tử Quốc hội)