BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT TẠI HUYỆN TÁNH LINH

8:25' 17/9/2012

Thực hiện kế hoạch giám sát quý I năm 2008, ngày 21/3/2008 Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Tánh Linh về tình hình triển khai kế hoạch kinh tế và dự toán thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách địa phương năm 2008; việc phân khai nguồn vốn XDCB tập trung của huyện năm 2008; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.

I. Về tình hình triển khai thực hiện các nội dung trên của UBND huyện:
        1. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu của huyện giao đều bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu của UBND tỉnh giao thể hiện tính tích cực và phấn đấu của huyện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế năm 2008; một số chỉ tiêu thấp hơn tỉnh giao nhưng phù hợp với thực tế địa phương:
        + Cây ngô: Tỉnh giao 30.350 tấn (5.280 ha); huyện giao 28.037 tấn (4.120 ha) do khu vực Gia Huynh và Suối Kiết, diện tích cây cao su và điều khép tán tăng lên, thu hẹp diện tích cây ngô, tuy huyện chủ động chuyển đất 2 vụ lúa ven sông La Ngà sang 1 vụ lúa - 1vụ ngô nhưng vẫn không thể tăng diện tích ngô theo kế hoạch tỉnh giao.
        + Cây ăn quả: huyện giao 1.250 ha (tỉnh giao 1.630 ha), do một số cây ăn quả không có giá trị kinh tế cao nông dân đã chủ động phá bỏ chuyển sang trồng cây cao su.
        + Tổng đàn gia cầm huyện giao 200.800 con (tỉnh giao 300.000 con), do dịch cúm gia cầm xảy ra thường xuyên trong những năm gần đầy, mặc dù trên địa bàn huyên không xảy ra dịch nhưng huyện không có chủ trương phát triển đàn gia cầm.
        + Khai thác cát: huyện giao 14.500 m3 (tỉnh giao 60.000m3), do thực tế khai thác cát trên địa bàn chủ yếu tập trung ven sông La Ngà, song rất hạn chế vì gây hậu quả sạt lở đất.
        2. Dự toán thu ngân sách năm 2008 do HĐND tỉnh giao là 37,2 tỷ đồng, UBND tỉnh giao phấn đấu 40,38 tỷ đồng, UBND huyện giao 40,5 tỷ đồng, tăng trên 8% so với chỉ tiêu pháp lệnh. Trong đó, khoản thu giao tăng so với chỉ tiêu của HĐND tỉnh gồm từ thu thuế 720 triệu đồng, tiền sử dụng đất 2,3 tỷ đồng và lệ phí, thu khác ngân sách 280 triệu đồng. Huyện cũng xác định các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cả năm 2008 theo Nghị quyết HĐND huyện, bằng cách tập trung chỉ đạo thu ngay từ đầu năm; củng cố lực lượng uỷ nhiệm thu tại các xã; quản lý chặt chẽ các khoản thu thuế, phí; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thu trong lĩnh vực nông sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ; tích cực thu nợ đọng từ thuế, đất công ích, phí và lệ phí. Các khoản thu từ đất 4,3 tỷ đồng (trong đó tăng thu 2,3 tỷ đồng) gồm 8 dự án trong đó có 6 dự án đã phê duyệt giá và 2 dự án đang lập hồ sơ.
        Về chi ngân sách địa phương năm 2008 được xây dựng căn cứ vào nhiệm vụ phát triển KTXH ở địa phương, bảo đảm các khoản chi lương, các khoản có tính chất lương cho bộ máy hành chính sự nghiệp, đáp ứng vốn cho chi đầu tư phát triển và các khoản chi cần thiết khác. Tổng chi ngân sách địa phương là 115,662 tỷ đồng, trong đó chi XDCB 6,449 tỷ đồng, chi thường xuyên 97,174 tỷ đồng. chi khác ngân sách 2,759 tỷ đồng…. Chi ngân sách huyện thấp hơn chỉ tiêu tỉnh giao 20 triệu đồng là do huyện giao khoản thu phí, lệ phí do các đơn vị TW đóng trên địa bàn huyện thu cao hơn dự toán tỉnh nên phần thu điều tiết ngân sách huyện đưa vào cân đối ngân sách giảm 150 triệu đồng.
        Trong bố trí chi sự nghiệp giáo dục, dự toán năm 2008 của ngành giáo dục huyện phân bổ định mức chi theo Nghị quyết HĐND tỉnh là 62.169 triệu đồng, trong đó phần chi cho con người theo lương mới đảm bảo, phần chi cho hoạt động tính theo từng cấp học và số lượng lớp học trong từng trường chấp nhận được; đối với trường ở vùng sâu, vùng xa, trường học sinh dân tộc thiểu số được tính thêm tỷ lệ chi hoạt động từ 0,5-1%.
        3. Về tình hình phân khai vốn XDCB năm 2008 và tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện:
        3.1. Tổng vốn đầu tư XDCB do huyện quản lý và phân khai là 9,599 tỷ đồng, trong đó nguồn XDCB tập trung 3 tỷ (15 công trình); nguồn thu tiền sử dụng đất 5,425 tỷ đồng (45 công trình) và còn lại 1,17 tỷ đồng phân khai cho các sự nghiệp kinh tế và mục tiêu khác. Cụ thể, huyện bố trí thanh toán nợ công trình hoàn thành 6,792 tỷ đồng, công trình chuyển tiếp 1,067 tỷ đồng và công trình mới là 1,748 tỷ đồng.
        Về nguồn vốn đầu tư cho các trường học là 11,902 tỷ đồng, chiếm 29,14% tổng vốn đầu tư trong đó bố trí chủ yếu cho các công trình trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, với mức độ đầu tư và nguồn vốn hàng năm như hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ phòng học và nhu cầu đào tạo theo quy chuẩn của ngành giáo dục vì hiện nay nhiều trường học hư hỏng, không còn sử dụng nhưng nguồn vốn chưa đảm bảo.
        3.2. Đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN: Tính đến tháng 3/2008, toàn huyện có 36 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư trên địa bàn, bao gồm:
        + 17 dự án nông - lâm nghiệp với tổng vốn đăng ký là 5.542,4 tỷ đồng với diện tích 9.954,9 ha, đến nay đã thực hiện đạt 77,7% diện tích giao, trong đó 5 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đã triển khai nhưng chưa đạt diện tích, 3 dự án trồng cây cao su của Lâm trường Tánh Linh (655 ha), cơ sở giáo dục Huy Khiêm (500 ha) và Tổng đội TNXP Trường Sơn (115 ha) không triển khai được. Nguyên nhân là do vướng mắc trong giải quyết các hộ dân lấn chiếm đất; mặt khác các chủ dự án thiếu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai.
        + 06 dự án công nghiệp – TTCN với tổng vốn đăng ký là 1.055,5 tỷ đồng với diện tích thuê đất 433,46 ha, đến nay có 3 dự án hoàn thành, 1 dự án đang triển khai, 1 dự án than bốc ngừng hoạt động từ năm 2006, 1 dự án gạch tuynen đang làm thủ tục xin cấp đất xây dựng.
        + 13 dự án xăng dầu với tổng vốn đăng ký là 6,77 tỷ đồng với diện tích giao, thuê đất 1,31 ha, đến nay có 11 dự án hoàn thành kinh doanh, 2 dự án đang triển khai xây dựng.
        Nhìn chung, hầu hết các dự án triển khai trên địa bàn huyện đã đi vào hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện dự án: Do không khảo sát sâu kỹ nên vướng công tác đền bù giải toả do dân lấn chiếm đất; việc giao và thuê đất thường chậm trễ và kéo dài gây khó khăn cho các chủ dự án; thiếu sự phối hợp giữa sở ngành của tỉnh và địa phương trong thực hiện dự án; công tác phản hồi thông tin từ các chủ dự án không thường xuyên; thiếu sự kiểm tra của các sở ngành ở tỉnh nên nhiều nội dung thực hiện trong dự án chưa phù hợp với nôi dung phê duyệt ban đầu.
        Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả giám sát tại huyện Tánh Linh./.