Trong ngày 17/9/2024, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 giám sát trên địa bàn huyện Hàm Tân; đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hàm Tan; các thành viên Đoàn giám sát và thành viên Tổ công tác. Về phía huyện Hàm Tân có đại diện Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban liên quan của huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc
Theo báo cáo của huyện Hàm Tân, để triển khai Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hàm Tân chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện và UBND cấp xã phối hợp triển khai rà soát, tham mưu UBND huyện trong việc lập, trình thẩm định và xây dựng kế hoạch đầu tư công qua 02 giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2021-2025; đồng thời, triển khai xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân báo cáo với Đoàn giám sát
Giai đoạn 2017 - 2020, UBND huyện đã đầu tư xây dựng 127 phòng học, 13 phòng chức năng, phòng bộ môn (phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật,...), 12 phòng thuộc khối công trình phụ trợ (nhà bếp, nhà kho, thư viện) với tổng mức đầu tư 38,831 tỷ đồng. Tuy nhiên, phòng bộ môn, khối phòng hành chính - quản trị, phòng chức năng, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật còn thiếu nhiều. Trang thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp các khối lớp phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 chưa đáp ứng đủ theo quy định danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn 2021 - 2025, đã đầu tư xây dựng 128 phòng học, 72 phòng chức năng, phòng bộ môn (phòng bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, khoa học và công nghệ,...), 19 phòng thuộc khối công trình phụ trợ (nhà bếp, nhà kho, thư viện). Trong năm 2022, 2023, đã đầu tư mua sắm trang thiết bị gồm bàn ghế, tivi, máy vi tính,... với tổng số tiền 14,467 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và nguồn tài trợ từ công ty xổ số kiến thiết. Ngoài ra, hằng năm, các cơ sở giáo dục đều tiết kiệm kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện được duy trì và tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đảm bảo theo quy định chung của ngành, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô phát triển của địa phương và thực tế của các cơ sở giáo dục. Từ năm 2017 đến nay, huyện sáp nhập 02 trường (01 trường 02 cấp học - Trường TH&THCS Tân Minh sáp nhập từ trường THCS Tân Minh và trường Tiểu học Tân Minh; 01 trường TH Tân Nghĩa 2 sáp nhập từ trường TH Tân Nghĩa 2 và TH Tân Nghĩa 3); giảm 04 điểm trường lẻ ở các bậc học. Đến nay, toàn huyện Hàm Tân có 37 cơ sở trường học thuộc huyện quản lý; trong đó, có 9 trường THCS, 16 trường TH (có 03 điểm lẻ), 11 trường MN (có 18 điểm lẻ) và 01 trường phổ thông 2 cấp học với 15.069 học sinh/519 lớp và 2.021 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Công tác xã hội hoá để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học được các trường quan tâm; tuy nhiên, kết quả không cao, vì điều kiện kinh tế của huyện còn rất nhiều khó khăn.
Trước đó, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát một số cơ sở trường học của huyện (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Đức Tân, Trường THCS Sông Phan, Trường THCS Sơn Mỹ, Trường TH Tân Phúc 1, Trường TH Tân Thắng 2, Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa, Trường Mẫu giáo Sơn Mỹ).
Đoàn giám sát khảo sát tại Trường THPT Đức Tân (Thị trấn Tân Minh).
Qua khảo sát cho thấy hiện trạng cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ; các trường học thiếu các phòng đa năng, phòng bộ môn (như Trường THCS Sông Phan, Trường TH&THCS Tân Minh, Trường Tiểu học Tân Phúc 1, Trường TH Tân Thắng 2) và các công trình phụ trợ (nhà vệ sinh, nhà để xe, nhà kho,...); còn nhiều phòng học đã xuống cấp, cần phải được sửa chữa để đảm bảo an toàn và đạt chuẩn theo quy định. Công tác quy hoạch, thiết kế xây dựng có nơi chưa hợp lý, chưa đảm bảo mỹ quan; việc bố trí diện tích phòng học và các phòng chức năng chưa đảm bảo so với tiêu chuẩn hiện hành (Trường TH Tân Phúc 1, Trường TH&THCS Tân Minh). Cơ sở vật chất tại các điểm lẻ ở một số trường học ít được quan tâm đầu tư nên phụ huynh có nhu cầu cho con học ở điểm trường chính nhưng cơ sở vật chất ở điểm chính không đảm bảo để tăng số lượng học sinh hoặc xa điểm chính (Trường Mẫu giáo Tân Thắng, Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa). Một số trường học còn gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Trường TH Tân Thằng 2, Mẫu giáo Tân Thắng, Trường Mẫu giáo Sơn Mỹ (điểm trường tại thôn 2). Việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi có lúc còn chậm, thiếu và chưa đảm bảo đồng bộ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trang thiết bị dạy học khác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong công tác dạy và học; vẫn còn tình trạng thiếu bàn ghế, ti vi, máy tính,... tại các cơ sở trường học.
Đoàn giám sát khảo sát tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thắng)
Đoàn giám sát khảo sát tại Trường THCS Sơn Mỹ (xã Sơn Mỹ)
Kết luận làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Hàm Tân có kế hoạch, lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về cơ sở vật chất, thiết bị trường học thực hiện Đề án 1436 đến cuối năm 2025, nhất là các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát đã kiến nghị. Chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, sắp xếp việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong nhà trường; kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trong trường học để lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định. Tăng cường việc đầu tư phòng học, khối phòng chức năng, công trình phụ trợ đảm bảo đầy đủ theo quy định; quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục còn khó khăn. Tiếp tục chỉ đạo các trường học nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; có giải pháp huy động hợp lý các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để mua sắm, duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường trách nhiệm, chủ động phối hợp tốt với các Sở ngành để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng các công trình trường học đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư./.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh