Huyện Bắc Bình cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư kiên cố hóa trường học, lớp học; rà soát, chỉ đạo việc giảm các điểm trường lẻ trong thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025

11:27' 22/10/2024

Ngày 25/9/2024, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã khảo sát, giám sát trên địa bàn huyện Bắc Bình về tình hình thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh huyện.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc; tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát; đồng chí Bùi Tấn Vinh - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Bắc Bình, các thành viên Đoàn giám sát và thành viên Tổ công tác. Về phía huyện Bắc Bình có đại diện Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban liên quan của huyện.

 

                  Khảo sát tại Trường THCS Bắc Bình 2

Khảo sát tại Trường Tiểu học Phan Thanh 2

Để đảm bảo nắm rõ hơn thực tế triển khai thực hiện Đề án 1436 tới từng cơ sở trường học, sáng ngày 25/9/2024, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chia thành 02 tổ tiến hành khảo sát 08 trường học trên địa bàn huyện gồm: Trường THPT Bắc Bình, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Bắc Bình 3, Trường TH&THCS Sơn Lâm, Trường Tiểu học Phan Thanh 2, Trường Tiểu học Sông Lũy 2, Trường Mẫu giáo Phan Điền, Trường Mẫu giáo Sơn Lâm.

 

Khảo sát tại Trường THPT Bắc Bình

Khảo sát tại Trường Mẫu giáo Phan Điền

 

Khảo sát tại Trường Mẫu giáo Sơn Lâm

Báo cáo tại buổi làm việc chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Công Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết: Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật liên quan, UBND huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các cơ sở trường học tự rà soát, đề xuất nhu cầu xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dựa trên kế hoạch phát triển nhà trường, các quy định pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tiến hành kiểm tra, thẩm định thực tế tại các cơ sở trường học; tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt và triển khai thực hiện.

 

Đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh,

Phó Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc chiều 25/9/2024

 

Qua 02 giai đoạn triển khai thực hiện Đề án, UBND huyện Bắc Bình đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trường học theo phân cấp quản lý, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các công trình trường học sau khi được đầu tư và đưa vào sử dụng đều phát huy tốt hiệu quả sử dụng, đảm bảo cho công tác dạy và học của nhà trường, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Trong đó, một số kết quả đầu tư nổi bật như: Giai đoạn 2017 - 2020, huyện Bắc Bình thực hiện vượt một số mục tiêu, chỉ tiêu: (1) Bậc mầm non: 48/22 bộ thiết bị tối thiểu, đạt 218%; 34/22 bộ đồ chơi ngoài trời, đạt 154%; (2) Bậc tiểu học: 682/540 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi, đạt 126,3%. Việc đầu tư phòng học cơ bản được quan tâm (mặc dù chưa đạt 100% kế hoạch đề ra) như: 56/68 phòng học bậc mầm non, đạt 82,3%; 100/108 phòng học bậc tiểu học, đạt 92,5%. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Bình thực hiện đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu: 5/5 phòng thiết bị giáo dục bậc tiểu học, 3/3 phòng bộ môn khoa học và công nghệ bậc tiểu học, đạt 100%. Một số chỉ tiêu đạt khá như: (1) Bậc tiểu học: 63/80 phòng học, đạt 78,8%; 7/9 thư viện, đạt 77,8%; (2) Bậc THCS: 36/48 phòng học, đạt 75%.

 

Đồng chí Nguyễn Công Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình

báo cáo tại buổi làm việc

 

Huyện Bắc Bình có số lượng trường học nhiều hơn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh; trên mỗi địa bàn xã đều có trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Do đặc thù về địa lý, đặc điểm dân tộc và phân bố dân cư, một số trường học trên địa bàn có khá nhiều điểm trường lẻ (một số trường có từ 4 đến 6 điểm lẻ), vị trí điểm lẻ cách xa điểm chính và xa trung tâm hành chính của xã (từ 6km đến 10km). Việc bố trí quỹ đất dành cho giáo dục cơ bản được quan tâm, nhiều trường được bố trí đất tại vị trí thuận tiện và diện tích phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương. Thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch mạng lưới trường học, từ năm 2017 đến nay, huyện đã sáp nhập 06 trường tiểu học và trường THCS thành trường có 02 bậc học; sáp nhập 06 trường mầm non; giảm 11 điểm trường lẻ ở các bậc học. Đến nay, trên địa bàn huyện có 67 cơ sở trường học thuộc huyện quản lý; trong đó, 05 trường TH&THCS (có 04 điểm lẻ), 15 trường THCS (không có điểm lẻ), 29 trường TH (có 24 điểm lẻ), 19 trường MN (có 44 điểm lẻ) với 26.855 học sinh/944 lớp và 2.247 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Qua khảo sát, giám sát cho thấy, hiện trạng cơ sở vật chất một số trường học còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành như: Số lượng phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Số lượng phòng học bán kiên cố vẫn còn tương đối nhiều (62 phòng bậc mầm non, 71 phòng bậc tiểu học, 24 phòng bậc THCS), một số trường học vẫn còn có phòng tạm, bậc mầm non và tiểu học chưa đủ chỉ tiêu 1 phòng/lớp. Số lượng điểm trường lẻ nhiều, trong điều kiện cách xa điểm chính nhưng phòng học xuống cấp, thiếu các phòng chức năng và trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Một số trường học có nhu cầu xóa điểm lẻ, sáp nhập về điểm chính nhưng hiện nay chưa thực hiện được. Việc mua sắm, trang bị trang thiết bị, đồ dùng học tập còn chậm, thiếu, chưa thực hiện kịp thời, đồng bộ theo lộ trình của Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trang thiết bị dạy học ở điểm trường lẻ chưa được đồng bộ, đầy đủ như điểm trường chính. Một số trường còn thiếu bàn ghế học sinh, sử dụng bàn ghế cũ, không đủ chuẩn theo quy định hiện hành.

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án 1436 trên địa bàn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến kiến nghị của UBND huyện Bắc Bình để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời, kiến nghị UBND huyện Bắc Bình có kế hoạch, lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về cơ sở vật chất, thiết bị trường học thực hiện Đề án 1436 đến cuối năm 2025, nhất là các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát đã kiến nghị. Tập trung nguồn lực để xây dựng đảm bảo đủ số phòng học, sửa chữa các phòng bán kiên cố, xóa bỏ phòng học tạm, đảm bảo đủ 1 phòng/lớp đối với bậc mầm non và tiểu học. Quan tâm quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học đảm bảo đồng bộ; thường xuyên rà soát, chỉ đạo việc giảm các điểm trường lẻ, nhất là những điểm trường gần điểm chính, phụ huynh có yêu cầu để tập trung về điểm trường chính. Chú trọng công tác kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ công trình trường học, hạn chế thấp nhất tình trạng xuống cấp phải sửa chữa lớn. Khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện mua sắm bổ sung, thay thế số lượng bàn ghế đảm bảo đầy đủ và đạt chuẩn cho các cơ sở trường học; quan tâm trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy học tối thiểu ở các bậc học, khối lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là ở các điểm trường lẻ./.

BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH