Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất một số giải pháp trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh

19:4' 26/7/2024

Tại phiên thảo luận đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lâm Hồng Tuyên – Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã phân tích tình hình phát triển kinh tế, kết quả thu chi ngân sách; trong đó phân tích một số vấn đề nổi lên trong đầu tư công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 và giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Về tình hình phát triển kinh tế, thu, chi ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024: UBND tỉnh đã báo cáo một số nội dung cơ bản như: Kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tuy tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng năm 2024; thu nội địa 6 tháng đầu năm 2024 tuy đạt 54,24% dự toán nhưng giảm 2,14% so với cùng kỳ; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 thấp (chỉ đạt 15,84% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao). Dự kiến đây là một năm khó khăn, để đạt được các chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sẽ rất nặng nề. Trong phạm vi bài phát biểu hôm nay, tôi xin tập trung một số vấn đề trong điều hành và thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 nói riêng và liên quan giai đoạn 2021-2026.

Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành nhiều văn bản  chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương chưa tập trung đúng mức trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh; công tác phối hợp giữa một số sở, ngành với địa phương có lúc, có dự án chưa hiệu quả dẫn đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nhìn chung cơ bản đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định. Theo quy định tại quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án là HĐND tỉnh. Để đảm bảo tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 08/5/2020 về việc giao quyết định chủ trương đầu tư một số dự án nhóm C trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê đến hết ngày 31/12/2023, trong 496 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, chỉ có 49 dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, tỷ lệ 9,88%; còn lại 447 dự án nhóm C được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, tỷ lệ 90,12%. Mặc dù kết quả này thực hiện theo Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhưng nhìn vào tỷ lệ nêu trên thì có thể thấy chưa được phù hợp, vì HĐND tỉnh là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư nhưng lại phê duyệt chưa đến 10% dự án, do đó nên chăng cần xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Qua kết quả thẩm tra phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như: (1) Công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư của nhiều chủ đầu tư chưa thật sâu kỹ dẫn đến khi triển khai thực hiện nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, có dự án trình hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng qua thẩm tra chưa đủ điều kiện thông qua. (2) Do yêu cầu về tiến độ để kịp đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm nên bước phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án chưa thực sự kỹ lưỡng. (3) Một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền quyết định đầu tư để bố trí vốn thực hiện. (4) Có dự án quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư khi chưa đảm bảo điều kiện triển khai nhưng chủ đầu tư không đề xuất cấp thẩm quyền dừng chủ trương đầu tư để thực hiện trình tự phê duyệt lại khi đảm bảo điều kiện mà vẫn thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư là chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

 

 

Đồng chí Lâm Hồng Tuyên phát biểu tại kỳ họp thứ 24-HĐND tỉnh khóa XI

 

Về giải ngân vốn đầu tư công, như đã nêu ở trên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 15,84% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tính chung giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 89,69% kế hoạch giao.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên làm việc với 03 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp tỉnh, 10/10 huyện, thị xã, thành phố để nắm tình hình thực tế, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh giảm dần qua từng năm; còn có sự chênh lệch trong tỷ lệ giải ngân giữa khối tỉnh và khối huyện. Công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng và các điều kiện cần thiết để chuẩn bị đầu tư của nhiều chủ đầu tư có mặt chưa sâu sát, chưa khả thi nên một số dự án sau bố trí vốn không triển khai được; nhiều dự án chậm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phê duyệt quyết định đầu tư nên chưa đảm bảo cơ sở bố trí vốn thực hiện. Công tác khảo sát thiết kế, lập, trình thẩm định dự án, dự toán đầu tư một số dự án còn hạn chế, có nội dung chưa chặt chẽ, dẫn đến quá trình thực hiện phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh thay đổi nhiều lần về quy mô, thiết kế, tổng mức đầu tư, làm chậm tiến độ giải ngân. Thực tế cho thấy, các dự án do 03 ban quản lý dự án của tỉnh làm chủ đầu tư muốn triển khai thực hiện phải phụ thuộc tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Về thực hiện các dự án trọng điểm, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí vốn và thường xuyên chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một số dự án vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến tiến độ bố trí, giải ngân vốn theo kế hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm chưa đảm bảo, chậm tiến độ làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư.

Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đầu tư công trong thời gian tới, xin đề nghị một số giải pháp sau:

UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan nâng cao chất lượng trong bước lập chủ trương đầu tư, kết hợp rà soát những định hướng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm để sắp xếp thứ tự đưa vào kế hoạch đầu tư công 5 năm, đảm bảo thực hiện khả thi, phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Có phương án chuẩn bị đầu tư các dự án tái định cư để phục vụ triển khai thực hiện các dự án, nhất là các trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tăng cường công tác kiểm tra, đốn đốc các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ./.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh