Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều nay 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bình Thuận, Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước.
Điện ở vùng hải đảo chưa đáp ứng nhu cầu
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Góp ý Điều 5 về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực; cụ thể tại khoản 3 dự thảo luật quy định các chính sách phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, ở những vùng như hải đảo thì việc nhà nước đầu tư nguồn điện để cung cấp điện phục vụ cho đời sống của nhân dân và phục vụ sản xuất kinh doanh là chưa đáp ứng nhu cầu. Đơn cử như ở khu vực huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Hệ thống điện trên đảo Phú Quý là hệ thống vận hành độc lập, không kết nối với hệ thống điện quốc gia. Nguồn điện được cung cấp từ nguồn điện diesel, gió, năng lượng mặt trời do nhà nước đầu tư, với tổng công suất là 16,68 MW; trong đó nguồn điện diesel chủ lực công suất 10 MW với 13 máy phát hiện đại, hòa cùng nguồn điện gió 6 MW và năng lượng mặt trời 0,68 MW.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại Tổ chiều nay 26/10.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch, tình hình phụ tải tăng rất nhanh, áp lực về nguồn điện là rất lớn, nhất là mùa nắng nóng phụ tải tăng cao, tốc độ gió thấp nên các tuabin gió không tham gia phát điện được, phải vận hành chủ yếu bằng các máy diesel. Chi phí vận hành cao dẫn đến bù lỗ hằng năm khá lớn, cụ thể năm 2023 doanh thu 62,63 tỷ đồng (điện thương phẩm 30.041.199 kWh, giá bán điện bình quân 2.084,14 đồng/kWh, tiền công suất phản kháng 0,02 tỷ đồng) với giá thành là 7.556,76 đồng/kWh tương ứng chi phí 232,34 tỷ đồng nên phải bù lỗ 169,71 tỷ đồng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất cần có chính sách cho phép người dân trên các đảo được lắp đặt điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện trên các đảo có hệ thống điện độc lập, không kết nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được mua với mức giá bằng giá trần (giá cao nhất) của nhà máy điện mặt trời mặt đất (1.184,90 đồng/kWh) trong khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Nếu áp dụng cơ chế này cho đảo Phú Quý thì cứ 1 MWp khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ tiết kiệm được chi phí phát điện diesel là 12,031 tỷ đồng/năm. Đồng thời, cần có cơ chế giá mua điện nhằm khuyến khích phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà có đầu tư pin lưu trữ tại chỗ.
Bổ sung một số dự án được kéo dài thời gian
Thảo luận về tiến độ dự án nguồn điện tại Điều 16 và và cơ chế xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ tại Điều 17; cụ thể tại khoản 3, Điều 16 dự thảo Luật quy định: “Tiến độ thực hiện dự án nguồn điện được phép điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các điều kiện quy định tại hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh”. Tại khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Việc xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công thực hiện như sau: "a) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 06 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ quy định chi tiết điểm này; b) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 12 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư và đã bị thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư....”
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, quy định trên chưa thật sự phù hợp, vì trong thực tế có nhiều trường hợp thực hiện thủ tục kéo dài thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số trường hợp được được kéo dài thời gian hơn so với quy định nêu trên.
Liên quan đến quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực tại Điều 19; Điểm a, khoản 2 quy định: “a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt danh mục dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp cần đầu tư trên địa bàn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư bảo đảm không vượt khối lượng đã phê duyệt trong phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh;”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “hạ áp” vì theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 10 dự thảo Luật thì lưới điện hạ áp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh.
Nguồn: Báo Bình Thuận