Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 28/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15.
Phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bố cục của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 2 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13 và Điều 2. Hiệu lực thi hành.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội. Đồng thời bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQP&AN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban UBQP&AN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN. Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm UBQP&AN Lê Tấn Tới đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù (lực lượng vũ trang). Đồng thời xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội...
Tiền đề xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN với những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời khẳng định, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là rất cần thiết.
Góp ý cụ thể tại khoản 12 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 46 Luật Sĩ quan QĐNDVN); đại biểu Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với ý kiến thẩm tra của thường trực UBQPAN là đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định điểm b khoản 12 Điều 1 để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch; làm rõ về nguồn lực thực hiện khi Luật được ban hành để bảo đảm tính khả thi; báo cáo làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân của pháp luật hiện hành.
Theo đại biểu, để luật thật sự đi vào cuộc sống thì cần quy định cụ thể bố trí nguồn lực để giải quyết chế độ nhà ở đối với sĩ quan là một điều hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với sỹ quan mới, sỹ quan mới lập gia đình chưa có điều kiện tích lũy. Bên cạnh đó, cần đánh giá cụ thể nguồn lực để thực hiện của tỉnh hay là nguồn lực của lực lượng vũ trang để đầu tư nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng. Nếu giao cho quân đội làm quy trình thì cần quy định cụ thể thủ tục theo Luật đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở cho phù hợp.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, mặc dù quy định của pháp luật hiện hành có quy định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan, cụ thể: tại khoản 7, Điều 31, Luật Sĩ quan sửa đổi năm 2014 quy định đối với sĩ quan tại ngũ: “Được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng cán bộ là sĩ quan quân đội được hưởng chế độ về nhà ở còn rất ít so với nhu cầu, do quy định chưa có quy định cụ thể về mức hưởng về phụ cấp nhà ở, hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm nhà công vụ theo từng đối tượng đối với lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân do đó trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể và bố trí nguồn lực để giải quyết chế độ nhà ở đối với sĩ quan là rất cần thiết. Đặc biệt là sĩ quan mới lập gia đình chưa có điều kiện tích lũy mua nhà nhằm giúp đời sống, gia đình đội ngũ cán bộ bớt khó khăn, yên tâm công tác gắn bó với đơn vị với lực lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Góp ý về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn (khoản 5 Điều 1 dự thảo), đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, tuy nhiên đối với thăng quân hàm, nâng lương trước hạn cho sĩ quan cần phải quy định chặt chẽ, vừa đảm bảo sự quan tâm, tạo điều kiện đối với sĩ quan có thành tích, nhất là đối với đội ngũ cán bộ sĩ quan ở cơ sở, cán bộ ở đơn vị đủ quân sẵn sàng chiến đấu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn... Đồng thời, có chính sách về quân hàm và phụ cấp chức vụ đối với đội ngũ cán bộ sĩ quan giữ chức danh trợ lý ở các cơ quan vì đây là đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm trong công tác tham mưu, hướng dẫn, khối lượng công việc lớn nhưng trần quân hàm và phụ cấp chức vụ còn thấp so với mặt bằng chung. Đại biểu cũng thống nhất việc dự thảo Luật được thông quy theo quy trình 1 kỳ họp.
Nguồn: Báo Bình Thuận