Sửa đổi tổng thể các điều khoản để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật

8:28' 31/10/2024

Sáng 30/10, thảo luận tại Tổ 15 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nâng mức áp dụng chỉ định thầu lên 200 triệu đồng

 Tham gia góp ý về nội dung cụ thể liên quan đến sửa đổi Luật Đấu thầu (Điều 4 dự thảo), ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh cho biết: Tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu quy định: “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.”

ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh góp ý Luật Đấu thầu 

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, qua rà soát, trong thực tế hiện nay có rất nhiều gói thầu xây lắp, dịch vụ tư vấn, phi tư vấn có quy mô nhỏ, đơn giản, thời gian thực hiện rất ngắn nhưng có giá gói thầu lớn hơn 100 triệu đồng sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên hàng năm tại các cơ quan đơn vị nên theo quy định của Luật Đấu thầu thì bắt buộc phải tổ chức đấu thầu, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, phát sinh thêm các chi phí tư vấn đấu thầu nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, quy định như sau: “Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định và được quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị không quá 200 triệu đồng”. Do đó, để tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời để phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị nâng mức áp dụng chỉ định thầu, tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu lên đến 200 triệu đồng (thay vì mức 100 triệu đồng như hiện nay).

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu theo hướng quy định rõ đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá gói thầu không quá 50 triệu đồng có bao gồm gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn hay không? Đồng thời, đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn đầu tư công có giá gói thầu không quá 50 triệu đồng có phải áp dụng quy định tại điểm này hay không?

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 2 dự thảo), ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh góp ý nội dung đánh giá năng lực của nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư. Đại biểu cho biết hiện nay, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo khoản 3 và khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 không quy định nội dung thẩm định, đánh giá điều kiện năng lực của nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư, trong đó bao gồm việc đánh giá năng lực tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về nội dung đánh giá năng lực của nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư, làm cơ sở để thực công tác thẩm định hồ sơ dự án được chặt chẽ, đúng quy định.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 47 (ngừng hoạt động của dự án đầu tư), Điều 48 (chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư) Luật Đầu tư (khoản 7, khoản 8 dự thảo); qua nghiên cứu, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cơ bản thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung hai điều khoản nêu trên trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định cụ thể hơn về việc xử lý các dự án đầu tư đang được tổ chức tín dụng nhận bảo đảm tài sản mà lại thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng, chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 47, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.

Liên quan đến Luật Đầu tư, đại biểu Lê Quang Huy đồng tình cao với các thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút những dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chế tạo chip bán dẫn... như trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Huy rất hoan nghênh, nếu làm được thì có thể thu hút được những dự án đầu tư. Tuy nhiên, cần có những quy định mức độ hỗ trợ ưu đãi cụ thể đối với những dự án, chương trình đáp ứng một số tiêu chí nhất định, không triển khai tràn lan...

Nguồn: Báo Bình Thuận