Sáng ngày 17/7/2024, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2024, kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI, đồng chí Thanh thị Kỷ - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh thay mặt Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham gia phát biểu thảo luận một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm.
Theo đó, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 được nêu tại Báo cáo số 153/BC-UBND ngày 05/7/2024.
Toàn cảnh kỳ họp.
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước về tình hình kinh tế và thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Với sự nổ lực điều hành, quyết tâm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, cơ bản các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 đã đạt được trên 50% trong 6 tháng đầu năm; kinh tế tiếp tục duy trì trên đà tăng trưởng, các chính sách anh sinh xã hội, chính sách dân tộc được duy trì và thực hiện tốt, tình hình quốc phòng - an ninh được duy trì ổn đinh. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham gia thêm một số vấn đề và đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 6 tháng cuối năm 2024; cụ thể:
Đồng chí Thanh Thị Kỷ - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu thảo luận.
Một là, nhiều năm nay, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá X) đã ban hành một chủ trương lớn nhằm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, đó là Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 27/5/2002 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2005. Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011 - 2015, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức và cụ thể hoá Nghị quyết số 04/NQ-TU đến với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào, trong đó có chính sách hỗ trợ đất đai, có đến 3.732 hộ đồng bào DTTS được cấp đất sản xuất với tổng diện tích 4.531 ha, định mức cấp tuỳ theo quỹ đất ở địa phương từ 0,8ha-2ha/hộ, các chế độ chính sách giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá,... Từ đó vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi thay tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Từ 2015 đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo sau này tuy được Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách thuộc chương trình hộ nghèo, cận nghèo, nhưng tình hình kinh tế vẫn khó khăn và không mang tính ổn định, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo ở miền núi, vùng cao vẫn còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong kế hoạch của tỉnh và các huyện có dự kiến nguồn quỹ đất lâm nghiệp nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng để cấp cho cho các hộ trên để sản xuất, tuy nhiên do nhiều vướng mắc không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên một số địa phương chưa có quỹ đất cấp. Đồng thời thực hiện Dự án 1 về giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương báo cáo không còn quỹ đất để hỗ trợ mà chuyển sang hình thức chuyển đổi nghề, tuy nhiên một số hình thức chuyển đổi nghề không phù hợp (làm công nhân khu công nghiệp) với phong tục tập quán của đồng bào miền núi, vùng cao nên hiệu quả mang lại không cao dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS.
Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 2024, theo đó, tại Điều 16 của Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, đây là nội dung rất nhân văn nhằm tháo gỡ những khó khăn về đất đai cho đồng bào DTTS. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện căn cứ các quy định của Luật và tình hình thực tế tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các cơ quan Trung ương có liên quan để kịp thời tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời và đúng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.
Hai là, về việc Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025: Các địa phương tuy có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, nhưng trong năm 2021 - 2023, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân là do: Một số quy định, cơ chế, chính sách về các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn còn chưa rõ, nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác lựa chọn danh mục, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của một số địa phương cơ sở chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải đề xuất điều chỉnh, bổ sung.
Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nhiều nội dung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở ngành và UBND các huyện tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với các dự án, tiểu dự án thành phần do cơ quan mình được giao chủ trì dự án. Việc thực hiện các dự án phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có tác động tích cực đến các mặt đời sống của vùng DTTS và miền núi.
Ba là, qua tổng hợp các kiến nghị chính đáng của cử tri trên địa bàn tỉnh và qua hoạt động khảo sát trực tiếp từ các địa phương, cơ sở vùng đồng bào DTTS, có nhiều kiến nghị chính đáng của Nhân dân liên quan đến đời sống sản xuất, sinh hoạt. Điển hình như kiến nghị của Nhân dân về việc đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước sạch; HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm và cho phép các địa phương lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương, cơ sở do chưa tích hợp các nội dung cần đầu tư vào trong các giai đoạn quy hoạch tổng thể xây dựng chung cấp xã hoặc UBND cấp huyện chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xã giai đoạn 2021 - 2025, nên chưa đủ điều kiện lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các huyện sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng chung cấp xã, đặc biệt là các xã đã có chủ trương của UBND tỉnh cho phép lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, công trình nước sinh hoạt, công trình thuỷ lợi vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, qua theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của Nhân dân, qua hoạt động chất vấn HĐND tỉnh, qua các báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và Thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình,... UBND tỉnh đều có các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các UBND cấp huyện triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo giám sát chưa được các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện quan tâm đúng mức và chưa được rà soát tiến độ thực hiện qua hằng năm, nên việc khắc phục qua giám sát chưa cao.
Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Kết luận phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đồng thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào DTTS./.
BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH