Trong những năm vừa qua, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, cơ bản giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt và đáp ứng một phần nhu cầu nước sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống người dân cũng như các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đoàn khảo sát làm việc với địa phương, đơn vị.
Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-HĐND ngày 19/12/2023 của Thường trực HĐND tỉnh về chương trình giám sát năm 2024 của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh; Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch giám sát số 05/KH-HĐND ngày 01/3/2024 của Ban; Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát “Công tác đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh”. Ban đã làm việc trực tiếp đối với các sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu từ, Xây dựng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Giám sát qua báo cáo đối với UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh. Khảo sát thực tế một số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn các xã: Vĩnh Hảo, Phong Phú (huyện Tuy Phong); Phan Hoà, Phan Tiến, Sông Bình, Sông Luỹ (huyện Bắc Bình); La Dạ, Thuận Minh, Thuận Hoà (huyện Hàm Thuận Bắc); Hàm Cần, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam); Sông Phan, Tân Hà (huyện Hàm Tân); Suối Kiết, Đức Thuận, Đức Phú, Măng Tố (huyện Tánh Linh); Mê Pu, Trà Tân (huyện Đức Linh).
Đoàn khảo sát làm việc với địa phương, đơn vị.
Qua khảo sát thực tế và xem xét báo cáo của các sở, ngành, địa phương, đơn vị; Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy, tình hình chung về thực hiện cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,03% (ứng với 195.744/197.662 hộ), trong đó tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 70,70%. Khu vực nông thôn toàn tỉnh có 66 công trình cấp nước tập trung do các đơn vị quản lý gồm: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (42 công trình); Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh (02 công trình); Công ty Cổ phần Cấp nước Bình Hiệp (01 công trình); Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Đông Hải (01 công trình); Ban Quản lý Công trình công cộng huyện Tuy Phong (03 công trình); Ban Quản lý Công trình công cộng huyện Bắc Bình (10 công trình); Hợp tác xã cung cấp nước sinh hoạt Trà Tân, huyện Đức Linh (01 công trình); Công ty Cổ phần đầu tư Mai Anh (01 công trình); Huyện đảo Phú Quý: 05 công trình thuộc khu vực tư nhân. Tổng công suất thiết kế 112.550 m3/ngày.đêm, cung cấp nước sạch (nước máy) cho 118.596 hộ (483.795 người)/197.662 hộ, chiếm tỷ lệ 60% dân số nông thôn toàn tỉnh. Số hộ dân còn lại sử dụng giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước 79.066 hộ (303.661 người)/197.662 hộ, chiếm tỷ lệ 40% dân số nông thôn.
Trong những năm vừa qua, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, cơ bản giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt và đáp ứng một phần nhu cầu nước sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống người dân cũng như các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đoàn khảo sát đi thực tế các địa điểm theo kế hoạch.
Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt: 99,03% (ứng với 195.744/197.662 hộ); tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt: 70,70%. Trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS khu vực nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt khá cao (85,40%) so với trung bình toàn tỉnh (60%). Các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh đều hoạt động đảm bảo ổn định, không có công trình hư hỏng, không sử dụng; các công trình thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng để cấp nước ổn định cho các hộ dân. Các công trình sau khi tiếp nhận đều đảm bảo cấp nước thường xuyên và chất lượng nước luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y Tế.
Đoàn khảo sát đi thực tế các địa điểm theo kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, mật độ dân số ngày càng tăng, nhu cầu về sử dụng nước sinh hoạt của người dân ngày càng nhiều, trong đó có người dân thuộc vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, các công trình cấp nước sinh hoạt của một số Nhà máy nước sử dụng nguồn nước ngầm, công suất khai thác không đảm bảo; một số tuyến ống chưa được mở rộng,... làm hạn chế việc thực hiện công tác cấp nước, sử dụng nước sinh hoạt ngày càng tăng cao như hiện nay, nhất là vào các tháng mùa khô, các dịp cao điểm lễ, tết hằng năm. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tại các sông, suối, giếng,… đều cạn kiệt và ô nhiễm, người dân thuộc vùng đồng bào DTTS phải chuyển qua sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung hoặc phải mua các bình nước 20 lít để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình (ăn uống, các nhu cầu sinh hoạt khác,...). Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước nhỏ lẻ không ổn định, một số địa phương chưa được đầu tư nâng cấp các tuyến ống nước sinh hoạt,... dẫn đến một số khu vực thường thiếu nước vào mùa khô và có nơi nước bị nhiễm phèn, vi sinh,... gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Một số hộ đồng bào DTTS ở thôn Dân Hiệp - xã Thuận Hòa và khu tái định canh, định cư Saloun (Khu a và Khu b) của xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; dân cư thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam chưa đảm bảo nước sạch để sử dụng. Cử tri kiến nghị tỉnh sớm đầu tư đưa đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước đến khu vực này, để người dân có nước sạch sử dụng sinh hoạt hàng ngày, đến nay chưa được đầu tư lắp đặt đường ống cấp nước. Công suất của một số nhà máy nước chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều khu dân cư tập trung của một số xã và thị trấn Thuận Nam chưa có tuyến ống nước sạch đi qua. Hằng năm, vẫn còn tình hình thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào mùa khô tại một số khu vực các xã: Suối Kiết, Đức Bình, Măng Tố; các thôn DTTS thuộc địa bàn xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh đến nay chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến ống nước, công trình cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, lượng mưa suy giảm, nắng nóng kéo dài, dẫn đến lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên và nguồn nước ngầm bị suy giảm, gây thiếu hụt nguồn nước thô tại các công trình cấp nước tập trung để duy trì công suất sản xuất nước sạch theo thiết kế. Nguồn kinh phí đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, do hiện trạng các khu dân cư định canh định cư sau này tại các địa phương ở quá xa trung tâm xã như thôn Lò To, xã Hàm cần, huyện Hàm Thuận Nam; khu tái định canh, định cư Saloun, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; hệ thống cấp nước sạch với nguồn kinh phí lớn, ngân sách tỉnh chưa đáp ứng. Một số bất cập trong các quy định về đấu thầu quốc tế, đàm phán đối với dự án nước sinh hoạt có nguồn vốn nước ngoài (Dự án Nhà máy nước Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc) dẫn đến chậm tiến độ thi công các Dự án, nên chưa đảm bảo cung cấp nước sạch cho thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc. Giá nước theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt, phê duyệt phương án giá nước sạch đối với các hệ thống cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý không còn phù hợp (do cơ sở pháp lý xây dựng giá nước căn cứ Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt đã hết hiệu lực), không đủ chi phí khai thác, vận hành. Các chi phí sửa chữa, bảo dưỡng gặp khó khăn.
Để phát huy hiệu quả công tác đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm một số nội dung sau:
Đối với UBND tỉnh: Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đầu tư mới các công trình nước sạch nông thôn. Quan tâm chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành Dự án Nhà máy nước Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc theo Thông báo số 20/TB-HĐND ngày 11/4/2024 về kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình (lần thứ hai) ngày 01/3/2024. Triển khai đơn giá nước sạch theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính. Quan tâm xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền chính sách hỗ trợ về giá nước sạch phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, các dự án nước sạch theo quy định. Quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt (Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), tạo điều kiện cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quan tâm mở rộng đối tượng vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho các đối tượng vay thuộc chương trình nước sạch theo quy định tại điểm b, điểm d khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội. Tiếp tục quan tâm thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ vốn ngân sách Trung ương, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay tín dụng ưu đãi thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy định tại Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ; vốn ngân sách tỉnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp,... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mở rộng các hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các công trình đã giao cho các chủ thể quản lý và vận hành để có phương án sắp xếp, quản lý cụ thể của từng công trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương, phát huy hiệu quả công năng của từng công trình cấp nước sinh hoạt nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước cục bộ trong các dịp lễ, tết, hạn hán kéo dài,... Quan tâm chỉ đạo các đơn vị đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gắn với các chương trình thủy lợi, hồ chứa nước phải đảm bảo nguồn nước cung cấp gắn với khai thác, vận hành, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Hằng năm quan tâm mở các lớp tập huấn cho công chức cấp huyện, cấp xã và cá nhân, doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành các công trình cấp nước sạch tập trung vùng nông thôn khi đề xuất đầu tư xây dựng dự án, công trình cấp nước sạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cấp nước quy định tại Điều 34 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ. Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Rà soát, khảo sát và có lộ trình nâng cấp mở rộng các công trình nước sinh hoạt tập trung đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và ghi vốn thực hiện Dự án; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật các dự án đang lập cáo cáo đề xuất chủ trương đầu tư vào quy hoạch cấp huyện, cấp xã theo quy định; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sinh hoạt hiện có; tiến hành khảo sát, lập dự án phát triển, nâng cấp công suất các Nhà máy nước, mở rộng các tuyến ống, trạm bơm,... nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ người dân; tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giá nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS, các chính sách của UBND tỉnh có liên quan đến công tác lắp đặt thuỷ kế khi thực hiện các dự án trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổng hợp, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh và trình các sở, ngành có liên quan xem xét, sớm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các danh mục dự án cấp nước theo Công văn số 417/UBND-ĐTQH ngày 01/02/2024 của |UBND tỉnh nhằm cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn của các chương trình, dự án dư vốn, nguồn vượt thu xổ số kiến thiết giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục các dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển sang giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật hiện hành. Tham mưu UBND tỉnh trình phê duyệt chủ trương đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 chuyển sang đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 cho danh mục các công trình ưu tiên thực hiện, để cấp nước sạch cho người dân tại các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trong các dịp cao điểm, hạn hán kéo dài,...
Đối với UBND các huyện: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị cấp nước sạch trong khai thác, vận hành, cấp nước sạch tập trung phải gắn với bảo vệ nguồn nước và an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý. Chủ động trong kiểm tra, giám sát các đơn vị cấp nước sạch đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn và các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào mùa khô hạn hằng năm. Quan tâm sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng chung xã, đặc biệt là các xã có dự án, công trình nước sinh hoạt; đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo các phòng, ban cấp huyện khẩn trương thẩm tra các hồ sơ dự án, các công trình nước sạch tập trung còn tồn đọng; chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thẩm định dự án, trình cấc cấp có thẩm quyền theo quy định. Trước khi phê duyệt dự án đầu tư cần khảo sát kỹ nguồn nước dẫn đến các công trình (đặc biệt là công trình loại hình tự chảy), vật liệu ống dẫn phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu của địa phương; đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình. Hằng năm, lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cấp nước sạch do địa phương quản lý, vận hành. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cấp nước sạch nông thôn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình cấp nước tập trung, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí nước./.