Qua giám sát UBND thành phố Phan Thiết theo Quyết định số 09/QĐ-HĐND ngày 08/4/2024 của Thường trực HĐND tỉnh và Kế hoạch chi tiết số 10/KH-ĐGS ngày 22/4/2024 của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 03/12/2020 về kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự biến động về đất đai trong giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh, nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 100%.
Theo kết quả ghi nhận trong kỳ giám sát (từ 01/7/2022 đến 31/12/2023), tổng số hồ sơ nhận trong kỳ báo cáo là 1655 hồ sơ/460,951693 ha; đã giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 461 hồ sơ/78,833353 ha, tỷ lệ 27,85%, tất cả đều trễ hẹn. 558 hồ sơ/166,65796 ha diện tích đất đang giải quyết, tỷ lệ 33,72% (đều đã trễ hạn). 636 hồ sơ/215,46039ha diện tích đất chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, tỷ lệ 38,43% (số hồ sơ đã có văn bản trả đúng thời hạn là 26 hồ sơ; số hồ sơ trả quá thời hạn là 610 hồ sơ, tỷ lệ 95,91% số hồ sơ trả).
Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc với UBND TP. Phan Thiết
Ngoài ra, UBND thành phố chưa thống kê được số hồ sơ hiện còn tồn đọng ở cấp xã do UBND cấp xã báo cáo cho UBND thành phố chưa đầy đủ, chính xác. Quy trình tiếp nhận và trả kết quả đối với thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu chưa đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều hồ sơ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết tiếp nhận từ rất lâu (năm 2019, 2020, 2021, 2022) đến nay vẫn tồn đọng, chưa kể hồ sơ giấy, không được tiếp nhận trên hệ thống. Nhiều hồ sơ trả do công chức Bộ phận một cửa không hướng dẫn người dân thực hiện, kê khai đầy đủ vào các mục tại Đơn đăng ký và cá đơn khác; nhiều hồ sơ thời gian kể từ khi tiếp nhận đến khi có văn bản trả hồ sơ kéo dài gây bức xúc cho người dân. Việc xác nhận vào đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu của xã, phường còn chưa chặt chẽ, nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố phải có văn bản chuyển lại yêu cầu xã, phường xác nhận bổ sung dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân.
Công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính tại các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, nề nếp. Việc theo dõi đăng ký nhu cầu sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân nhiều nơi thực hiện chưa đúng quy định. Công tác cập nhật biến động bản đồ địa chính khi thu hồi đất thực hiện công trình giao thông và khi người dân hiến đất còn chậm.
Bản đồ đo đạc dự án tổng thể theo đề án 920 tuy đã được nghiệm thu, bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết, tuy nhiên một số khu vực chỉ mới đo bao chưa đo vẽ chi tiết; chất lượng bản đồ chưa đảm bảo dẫn đến phải thực hiện kiểm tra, đo đạc chỉnh lý lại làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, gây bức xức cho người dân. Vẫn còn tình trạng khi người dân có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã, phường hướng dẫn người dân liên hệ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nộp hồ sơ đề nghị đo đạc cấp lần đầu là chưa đúng quy định.
Công tác xử lý vi phạm hành chính, hòa giải tranh chấp về đất đai trên địa bàn huyện còn nhiều hồ sơ chưa đúng quy định. Công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (5%) trên địa bàn thành phố chưa chặt chẽ. Việc khắc phục các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chồng lấn vào diện tích đất quy hoạch 03 loại rừng còn hạn chế.
Qua giám sát, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND thành phố Phan Thiết nhiều vấn đề: (1) Chủ động Ban hành Kế hoạch triển khai Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn huyện theo Kế hoạch của UBND tỉnh gắn với khắc phục những tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát đã chỉ ra. (2) Quan tâm chỉ đạo và theo dõi kết quả thực hiện việc cấp giấy CNQSDĐ và QLBĐĐ trên giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai 2024. (3) Phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục sớm hoàn chỉnh việc cập nhật dữ liệu đất đai trên địa bàn có chất lượng để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, có giải pháp khắc phục triệt để việc người dân phải trả tiền đo đạc lại. (4) Chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (5%) tại UBND các phường, xã; chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương thực hiện xác lập hồ sơ để quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích (5%) và đất công do nhà nước quản lý trên địa bàn. (5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai cho công dân./.
BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH