Giám sát công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân hai cấp giai đoạn 2021 – 2023 tại Tòa án nhân dân tỉnh

7:41' 20/5/2024

Sáng ngày 16/5/2024, Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Huỳnh Thị Hoa - Trưởng Ban đã chủ trì làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân hai cấp, giai đoạn 2021 - 2023. Cùng tham gia Đoàn giám sát có các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Tại buổi làm việc, Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận một số kết quả đạt được của Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân hai cấp, giai đoạn 2021 - 2023: Từ 01/10/2020 đến 30/9/2023, TAND hai cấp đã thụ lý 689 vụ án hành chính, giải quyết 459 vụ, tỷ lệ giải quyết: 66,6%, còn 230 vụ. Trong đó: TAND tỉnh: thụ lý 620 vụ, giải quyết 392 vụ, tỷ lệ giải quyết: 63,22%, còn 228 vụ; TAND cấp huyện: thụ lý 69 vụ, giải quyết 67 vụ, tỷ lệ giải quyết: 97%, còn 03 vụ. Đối với các vụ, việc dân sự, TAND hai cấp đã thụ lý 23.245 vụ (Phúc thẩm 624 vụ), giải quyết 20.878 vụ (Phúc thẩm 554 vụ), tỷ lệ giải quyết: 89,82%. Trong đó: TAND tỉnh: Đã thụ lý 1.322 vụ (Phúc thẩm 624 vụ), giải quyết 927 vụ (Phúc thẩm 554 vụ), tỷ lệ giải quyết: 70,12%; TAND cấp huyện: Đã thụ lý 21.923 vụ, giải quyết 19.951 vụ, tỷ lệ giải quyết: 91%.

 

 

Lãnh đạo TAND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc

 

Kết quả trên cho thấy, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Thuận phải thụ lý, giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước và tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng công tác của Tòa án nhân dân hai cấp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đề ra. Tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính tại Tòa án nhân dân hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Chất lượng xét xử các loại án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm thấp hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu và Tòa án nhân dân tối cao đề ra; không có trường hợp nào bị kháng nghị do bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án.

 

 

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan

 

Bên cạnh những kết quả đạt được; công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính thời gian qua của Tòa án nhân dân tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ giải quyết án hành chính và các vụ, việc dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện còn thấp; một số bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, một số tuy đã được rút kinh nghiệm nhưng vẫn còn lặp lại; tình trạng án quá thời hạn xét xử tập trung ở Tòa án nhân dân tỉnh có chiều hướng gia tăng; án tạm đình chỉ còn nhiều (nguyên nhân chủ yếu là chờ cung cấp tài liệu, chứng cứ); tiến độ giải quyết một số vụ án phức tạp, án tồn đọng còn chậm.

Nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật còn một số nội dung chưa rõ ràng; công tác hướng dẫn thi hành luật, trả lời những vướng mắc chưa kịp thời; tính chất trong các tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, số lượng các vụ việc giải quyết của Tòa thì tăng, trong khi Tòa còn thiếu một số chức danh chưa được bố trí đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao; công tác hòa giải tranh chấp ở các địa phương chưa được chú trọng đúng mức; công tác quản lý nhà nước về đất đai còn những hạn chế nhất định; ý thức chấp hành pháp luật trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự của đương sự là người đứng đầu một số địa phương và một số cơ quan thẩm quyền của huyện có lúc chưa cao làm việc triệu tập, thu thập chứng cứ, tổ chức đối thoại của các phiên tòa còn khó khăn; việc thực hiện Quy chế phối hợp 2452/QCPH-UBND-TAND ngày 19/9/2018 giữa UBND tỉnh và TAND tỉnh của một số đơn vị, địa phương có lúc còn chưa tốt; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Thuận còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động của tòa; công tác kiểm sát có lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện những sai phạm để kháng nghị.

 

 

Đồng chí Huỳnh Thị Hoa phát biểu kết luận buổi làm việc

 

Nguyên nhân chủ quan: Trong thực thi công vụ còn có Thẩm phán, Thư ký chưa thận trọng trong nghiên cứu, thu thập, đánh giá chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa toàn diện; việc nắm bắt, cập nhập các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật có lúc chưa kịp thời dẫn đến án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Nhận thức áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất; một số Tòa án nhân dân chưa chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chưa phát huy vai trò chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan có liên quan phục vụ công tác giải quyết các vụ, việc phức tạp, tồn đọng; Tòa án chưa thực sự quyết liệt trong việc yêu cầu các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ, việc, nhất là các vụ phức tạp, tồn đọng. Một số tòa án chưa tranh thủ sự hướng dẫn của tòa cấp trên.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Huỳnh Thị Hoa - Trưởng Ban  thay mặt Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân hai cấp tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cơ cấu phù hợp để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của Tóa án gắn với thực hiện cải cách tư pháp và cải cách thủ tục hành chính tư pháp. Tiếp xây dựng và thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Tòa án, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua. Nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng; thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết từng loại vụ án, vụ việc, khắc phục các vi phạm trong xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ và các vi phạm về tố tụng khác (nếu có); hạn chế tối đa tình trạng hủy án, sửa án do lỗi chủ quan của thẩm phán, đặc biệt các vi phạm đã rút kinh nghiệm nhiều lần; có giải pháp khắc phục tình tạng tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án. Chú trọng công tác kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, kiểm tra công tác thụ lý, xét xử các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự của tòa cấp huyện. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện tranh thủ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giải quyết, xét xử các loại án, trong đó có án hành chính, dân sự; định kỳ tổng hợp, báo cáo với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp để có giải pháp xử lý giải quyết dứt điểm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ, việc; phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan hỗ trợ tư pháp trong thu thập hồ sơ, chứng cứ, giám định, định giá; phối hợp các cơ quan thi hành án trong thi hành các quyết định của tòa án. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chuyên môn đối với tòa cấp huyện; chỉ đạo công tác tự kiểm tra của tòa cấp huyện để nâng cao chất lượng xét xử; kiểm tra trách nhiệm của các thẩm phán, thư ký, kịp thời phát hiện sai sót để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Quan tâm việc đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, công khai kịp thời, đầy đủ các bản án, quyết định của tòa trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh; quan tâm công tác chính trị, tư tưởng của cán bộ, công chức của tòa./.

BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH