Báo cáo giám sát huyện Hàm Tân (2/10/2008)

8:33' 17/9/2012

Thực hiện chương trình công tác của Ban đã đề ra, vào ngày 06, 08 và 20/5/2008 Ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát và giám sát tại địa bàn huyện Hàm Tân. Nội dung khảo sát, giám sát: việc thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ trong các trường học, việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên.
 

I. Kết quả giám sát như sau
        1. Việc thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ trong các trường học
UBND huyện Hàm Tân đã chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai tập huấn nghị định 43/2006/NĐ-CP đến 33 đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Hiện 100% số trường của huyện đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nghị định 43/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động chiếm tỉ lệ 6% còn 94% số đơn vị còn lại là các đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
        Kinh phí phân bổ trong năm 2007 cho ngành giáo dục huyện Hàm Tân là 18.895.000.000 đồng, trong đó kinh phí hoạt động là 2.390.000.000 đồng chiếm tỉ lệ 12,64%. Nhìn chung, kinh phí phân khai cho ngành giáo dục của huyện Hàm Tân trong năm học 2007-2008 này tương đối ổn định. Phòng Giáo dục và Phòng Tài chính đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong phân khai kinh phí cho các trường.
        Căn cứ nguồn kinh phí ngân sách cấp và quyết toán năm trước chuyển sang, số biên chế được Sở Nội vụ thông báo, số học sinh của từng cấp học, của từng trường, sĩ số học sinh bình quân của lớp học, và nhu cầu sử dụng kinh phí cho hoạt động, đồng thời có tính toán đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, lớp ghép… Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã phối hợp bàn bạc thống nhất tham mưu UBND huyện ra quyết định phân khai kinh phí cho từng trường. Trên cơ sở kinh phí được cấp, các trường học trên địa bàn huyện đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Nhiều trường đã linh động trong tiết kiệm chi tiêu, chủ động chi trả công tác phí cho giáo viên còn tồn đọng từ các năm học trước bằng nguồn kinh phí chi hoạt động của trường.
        Qua giám sát Ban Văn hóa – xã hội nhận thấy:
        - Việc phân khai kinh phí cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Hàm Tân đã có sự thống nhất giữa 2 phòng Giáo dục và Đào tạo và Tài chính - Kế họach. Khi phân khai kinh phí đều công khai cho các trường được biết, trong đó đã tính đến các yếu tố quy mô trường lớp như số lớp, số giáo viên, số học sinh; địa điểm trường lớp, tính chất đặc thù của từng trường.
        - Thực hiện cơ chế tự chủ, các trường đã hạn chế được tình trạng dạy kê giờ như những năm trước, các trường đã chủ động hơn trong việc điều hành chi tiêu, khắc phục được tình trạng xin cho, tiết kiệm hơn trong chi tiêu và chống lãng phí. Công tác hạch toán kế toán của các trường đơn giản hơn, dễ thực hiện, giảm bớt các báo cáo tháng, quý như trước đây.
        - Các trường đều đã linh động sử dụng kinh phí chi hoạt động để chủ động chi trả công tác phí còn tồn đọng từ những năm trước cho giáo viên và các khoản nợ vật tư văn phòng sau khi chia tách huyện.
        - Đối với trường Trung học phổ thông có thuận lợi hơn, ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp đủ chi cho con người, trường có khoản thu học phí nên đã chủ động được trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện được khoản tiết kiệm kinh phí hoạt động để chi lương tăng thêm cho cán bộ giáo viên, bình quân chi thêm 2.125.000 đồng/người/năm sau khi trích lập các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng và phúc lợi, quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP trên địa bàn huyện Hàm Tân cũng còn những tồn tại khó khăn cần quan tâm như:
        - Mặc dù các trường đều thực hiện tự chủ kinh phí nhưng thực chất chỉ là khoán kinh phí vì 94% số trường trên địa bàn huyện đều được ngân sách nhà nuớc đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, các trường không có khoản thu nào khác vì vậy chưa thể tự chủ kinh phí được.
        - Ngoại trừ chỉ có các trường Trung học cơ sở có khoản thu được từ mức khoán vượt chỉ tiêu thu học phí nên có bổ sung vào kinh phí hoạt động và có thực hiện được tiết kiệm để chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên nhưng hiệu trưởng các trường còn có tâm lý lo ngại nếu tiết kiệm đựơc thì năm sau sẽ bị cắt giảm kinh phí chi cho hoạt động.
        - Do mới thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ nên các trường còn nhiều lúng túng trong việc vận dụng các quy định để phân bổ chi hoạt động trong năm. Số kinh phí chi trả tiền nợ công tác phí của giáo viên được Phòng Tài chính – Kế hoạch tính toán cân đối để cho các trường trả nợ dần nhưng có một số trường đã chi trả hết trong học kỳ I của năm học này nên đến học kỳ II, không đủ kinh phí chi cho hoạt động vào cuối năm.
        - Đối với các trường Mẫu giáo do không có kế toán nên phải hợp đồng thuê kế toán làm việc và sử dụng kinh phí chi cho hoạt động để chi trả nên kinh phí hoạt động càng khó khăn hơn.
        2. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên
        Các trường đã thực hiện chi trả đầy đủ các khỏan chi lương, phụ cấp, tăng giờ và các khoản chi khác cho giáo viên trong năm học 2007-2008 đầy đủ và đúng quy định.
        Tuy nhiên, qua làm việc Ban Văn hóa – xã hội được biết:
        - Mặc dù tỉnh đã tạm ứng 3.000.000.000 đồng và huyện Hàm Tân đã tạm ứng 602.137.000 đồng chi trả tiền tiền phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi và trợ cấp ban đầu theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP và Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg cho ngành giáo dục huyện Hàm Tân nhưng hiện vẫn còn nợ của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của huyện Hàm Tân tiền trợ cấp thu hút, ưu đãi và trợ cấp ban đầu từ tháng 10/2004 đến cuối năm 2006 là 3.583.861.000 đồng. Trong đó:
        + Tiền phụ cấp thu hút từ năm 2004-2006 đối với giáo viên của ba cấp học là 1.956.195.000 đồng
        + Tiền phụ cấp ưu đãi từ năm 2004-2006 đối với giáo viên của ba cấp học là 1.082.110.000 đồng
        + Tiền phụ cấp thu hút từ năm 2004-2006 đối với cán bộ quản lý giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo là 266.713.000 đồng.
        + Tiền phụ cấp ưu đãi từ năm 2004-2006 đối với cán bộ quản lý giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo là 266.713.000 đồng.
        + Tiền trợ cấp ban đầu của cán bộ quản lý giáo dục của Phòng Giáo dục và đào tạo là 18.000.000 đồng.
        Cũng qua đi thực tế các trường trên địa bàn huyện Hàm Tân, được biết cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện cũng còn rất nhiều khó khăn, nhiều trường còn thiếu phòng học phải học nhờ nhà dân, hoặc mượn lớp học của trường khác, nhiều trường có rất nhiều điểm trường nên hiệu trưởng còn gặp khó khăn trong công tác quản lý. Hiện nay, 8 phòng học của trường Trung học cơ sở Tân Thắng tỉnh đã có chủ trương cho lập dự án xây dựng và UBND huyện đã giao ban quản lý huyện thực hiện. Đến nay đơn vị mà Ban quản lý dự án huyện hợp đồng đã có thiết kế trình Sở Kế hoạch đầu tư nhưng dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.