Báo cáo giám sát huyện Đức Linh

8:34' 17/9/2012

Thực hiện chương trình công tác của Ban đã đề ra, vào ngày 11 và 24/4/2008 Ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát và giám sát tại địa bàn huyện Đức Linh. Nội dung khảo sát, giám sát: việc thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ trong các trường học, việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên.
 

I. Kết quả giám sát như sau:
        1. Việc thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ trong các trường học:
        Ngay từ năm 2006, đã có 6 đơn vị trường trên địa bàn huyện Đức Linh đăng ký thực hiện thí điểm tự chủ kinh phí theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Đầu năm 2007, UBND huyện Đức Linh đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện phổ biến, tập huấn Nghị định 43/2006/NĐ-CP cho 66 đơn vị trường học trên toàn huyện.
        Kinh phí phân bổ trong năm 2007 cho ngành giáo dục huyện Đức Linh là 40.210.000.000 đồng, trong đó chi cho hoạt động 1.613.000.000 triệu đồng chiếm tỉ lệ 4,01%. Trên cơ sở kinh phí được cấp, các trường học trên địa bàn huyện đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Bước đầu thực hiện, Hiệu trưởng các trường đều phấn khởi vì họ biết được số tiền được cấp và tỉ lệ các khoản thu phí hàng năm được để lại cho trường nên thuận lợi trong việc chủ động điều tiết thu chi của trường. Nhiều trường đã linh động trong tiết kiệm chi tiêu, chủ động chi trả công tác phí cho giáo viên còn tồn đọng từ các năm học 2003-2004, 2004-2005, 2005-2006 bằng nguồn kinh phí chi hoạt động của trường.
        Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số trường, Ban Văn hóa-xã hội nhận thấy việc thực hiện cơ chế kinh phí tự chủ của các trường học trên địa bàn huyện Đức Linh cũng còn tồn tại những khó khăn sau:
        - Tất cả hiệu trưởng và kế toán các trường đều đã được tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện nghị định 43/2006/NĐ-CP nhưng vì là năm đầu thực hiện nên còn nhiều lúng túng và đối với những trường có nguồn thu học phí, phần lớn Hiệu trưởng do chưa hiểu sâu, kỹ về Nghị định này nên còn băn khoăn trong việc thực hiện tiết kiệm, không biết sử dụng nguồn tiết kiệm này như thế nào; tiết kiệm được thì kinh phí hoạt động được cấp cho năm sau có bị cắt giảm không nên đa số các trường chưa thực hiện được việc xây dựng các loại quỹ theo hướng dẫn.
        - Các trường đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ gởi Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Tài chính - Kế hoạch nhưng không có ý kiến thông qua nên việc thanh toán đối với các mức chi công tác phí theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước Huyện có trường còn gặp khó khăn.
        - Qua khảo sát, và làm việc trực tiếp tại một số trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở, Ban Văn hóa - xã hội được biết: Việc cấp kinh phí chi cho con người được bảo đảm nhưng chi cho hoạt động vẫn còn thấp (tỉ lệ bình quân chi hoạt động trên tổng chi đạt khoảng 4% đến 5 %) đặc biệt kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn của các trường Mẫu giáo là rất khó khăn, bình quân tỉ lệ chi hoạt động năm 2007 ở các hệ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học chỉ đạt khoảng 3% đến 4% tổng chi.
Đối với cấp Trung học phổ thông:
        Liên sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính đã tổ chức triển khai tập huấn Nghị định 43/2006/NĐ-CP cho các trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện, các trường đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện được quy chế chi tiêu nội bộ đã được duyệt. Tuy nhiên, trong hai trường được khảo sát thì chỉ có trường Trung học phổ thông Hùng Vương thực hiện được tiết kiệm theo hướng dẫn của Nghị định 43/2006/NĐ-CP và đã chi tiền lương tăng thêm cho cán bộ giáo viên, lập được quỹ phúc lợi.
        Riêng đối với Trường Trung học phổ thông Đức Linh nguồn kinh phí ngân sách cấp đủ chi cho con người, chi hoạt động từ nguồn học phí công lập. Ngoài 2 nguồn kinh phí này nhà trường không còn nguồn kinh phí nào khác. Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất của trường đã cũ, xuống cấp nên hàng năm phải tu sửa thường xuyên rất tốn kém nên trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng kinh phí chi cho hoạt động phục vụ dạy học do đó không có kinh phí tiết kiệm để chi lương tăng thêm cho cán bộ giáo viên.
        2. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên:
        Mặc dù Sở Tài chính đã hai lần tạm ứng kinh phí cấp cho các huyện để chi trả tiền phụ cấp cho giáo viên theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP nhưng theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Linh và qua làm việc được biết:
        - Phần chênh lệch phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ quý IV/2004 đến hết năm 2007 là 3.644.062.900 đồng;
        - Phần chênh lệch phụ cấp thu hút cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ quý IV/2004 đến hết năm 2007 là 4.726.815.500 đồng;
        - Phần trợ cấp lần đầu cho giáo viên mới về các trường thuộc xã Đông Hà tháng 9/2006 và tháng 9/2007 là 80.000.000 đồng.
        - Tổng cộng là 8.450.878.400 đồng, trong năm 2007 đã được cân đối thanh toán 2.800.000.000 đồng hiện còn lại 5.650.878.400 đồng chưa được thanh toán.