Báo cáo giám sát thành phố phan Thiết

8:35' 17/9/2012

Thực hiện chương trình công tác của Ban đã đề ra, vào ngày 11 và 13/3/2008 Ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại địa bàn thành phố Phan Thiết. Nội dung giám sát: việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, hoạt động quản lý Nhà nước về văn hoá và dịch vụ văn hoá, công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

I. Kết quả giám sát như sau:
        1. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”:
        Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trong năm qua toàn thành phố có: 41.927 hộ gia đình đăng ký xây dựng “gia đình văn hóa”, kết quả bình xét có 36.551 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm tỉ lệ 87,1%; phát động xây dựng thêm 7 khu phố văn hóa nâng tổng số thôn, khu phố đăng ký xây dựng đời sống văn hóa lên 122/129 thôn, khu phố đạt tỉ lệ 94%, kết quả bình xét công nhận thêm 3 thôn và 7 khu phố đạt danh hiệu, nâng tổng số 67 khu phố và 10 thôn văn hóa, đạt tỉ lệ 59%; ngoài ra có 25 khu phố, thôn đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến và duy trì 4 phường đã phát động xây dựng và được công nhận từ năm 2006 là Phú Trinh, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Thanh Hải; có 163/169 đơn vị trực thuộc Thành phố đăng ký xây dựng “đơn vị có nếp sống văn minh”, kết quả bình xét có 157/163 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị có nếp sống văn minh”; ngoài ra cũng đã công nhận 177/181 đơn vị cấp Tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố đạt đơn vị có nếp sống văn minh.
        Qua giám sát Ban Văn hóa – xã hội nhận thấy:
        Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố; trong nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2007, HĐND thành phố Phan Thiết xác định và đề ra chỉ tiêu phấn đấu của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, UBND thành phố đã ban hành quy chế họat động và quan hệ phối hợp thực hiện của Ban Chỉ đạo phong trào thông qua đó Ban Chỉ đạo phong trào thành phố tiếp tục được củng cố, đi vào họat động với sự thống nhất cao trong chỉ đạo và phân công thực hiện.
        Qua thực hiện phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thành phố ngày càng được nâng lên, nhiều địa phương, đơn vị đã cố gắng khắc phục khó khăn, đưa phong trào từng bước phát huy hiệu quả, khơi dậy ý thức tự giác, phát huy dân chủ trong nhân dân đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong năm 2007, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 9.525 lao động, đạt 200,26% kế họach; có 2.215 lao động được đào tạo nghề; số hộ nghèo của Thành phố còn 2,39%; có 205 hộ thóat nghèo đạt 102,5% kế họach.
        Tuy nhiên việc thực hiện phong trào cũng còn những tồn tại và khó khăn đáng quan tâm sau:
        - Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, gây trở ngại cho người đi bộ, vi phạm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị vẫn còn và chưa có biện pháp giải quyết căn bản.
        - Việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch chưa được duy trì và phát huy tốt, có những khu phố không giữ được danh hiệu văn hóa do tỉ lệ sinh con thứ ba cao.
        - Tình trạng “gái gọi” hoạt động ở một số điểm karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ vẫn còn diễn ra phức tạp.
        - Việc thực hiện quy trình đăng ký và bình xét rất chặt chẽ ở cơ sở nhưng Ban Chỉ đạo ở một số phường, xã chưa tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đánh giá chất lượng phong trào.
        - Việc giao ban định kỳ giữa Ban chỉ đạo Thành phố với Ban chỉ đạo các phường, xã chưa thường xuyên nên chưa kịp thời chỉ đạo cơ sở tháo gỡ những vướng mắc khó khăn.
        - Một trong những khó khăn của các phường, xã trên địa bàn thành phố hiện nay là thiếu nhà sinh họat văn hóa, tính đến nay toàn thành phố chỉ có 45/129 thôn, khu phố có điểm sinh hoạt, nhà văn hóa phường, xã chưa được xây dựng, một số cơ sở cũ đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để xây dựng, khó khăn lớn nhất của thành phố là không còn quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa phường, xã cũng như nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khu phố.
        2. Hoạt động quản lý Nhà nước về văn hoá và dịch vụ văn hoá:
        Trong năm 2007, thành phố đã tổ chức 117 đợt kiểm tra với 385 lượt cơ sở, qua đó đã phát hiện và lập biên bản vi phạm 81 cơ sở đề xuất xử lý phạt tiền 168,51 triệu đồng, tịch thu 1.558 đĩa không dán nhãn, in sang lậu. Nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh chủ yếu là: không niêm yết nội quy, giờ giấc, hoạt động quá giờ, âm thanh ồn quá mức quy định, không bảo đảm ánh sáng theo quy định, sử dụng nhân viên không có hợp đồng lao động, kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc có nhưng kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm về địa điểm (gần trường học), vi phạm về kích thước tiêu chuẩn phòng ốc, treo băng rôn quảng cáo không đúng quy định, kinh doanh băng đĩa không dán nhãn bảo chứng nội dung, đĩa nhân bản lậu, chưa được phép phổ biến…
        Qua giám sát Ban Văn hóa - xã hội nhận thấy ngoài việc triển khai thực hiện kịp thời các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa, việc ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn cũng được lãnh đạo thành phố Phan Thiết đặc biệt quan tâm. UBND thành phố đã ban hành quy hoạch các điểm kinh doanh quán bar, karaoke, nhà hàng, vũ trường trên địa bàn thành phố Phan Thiết giai đoạn 2006-2010. UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao thành phố triển khai hướng dẫn các hộ kinh doanh không đạt điều kiện tổ chức lại việc kinh doanh để đủ điều kiện hoặc chấm dứt việc kinh doanh theo quy định. Đồng thời chỉ đạo việc củng cố kiện toàn tổ kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa. Việc kiểm tra thực hiện sau xử lý cũng được chú trọng do đó hầu hết các cơ sở vi phạm đều chấp hành tốt việc nộp phạt và chấn chỉnh khắc phục những vi phạm, đi vào hoạt động có nề nếp và ổn định góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự chung của thành phố.
        Tuy nhiên cũng còn những tồn tại và khó khăn đáng quan tâm như:
        - Một số phường, xã chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, chưa chấp hành nghiêm việc tổ chức kiểm tra, quản lý và báo cáo kết quả kiểm tra.
        - Nhiều phường, xã chưa có cán bộ văn hóa thông tin chuyên trách, thành viên đội kiểm tra liên ngành 814 một số phường, xã thường xuyên thay đổi nên số mới vào còn lúng túng trong việc tổ chức kiểm tra.
        - Thành viên của đội kiểm tra liên ngành do kiêm nhiệm nên tham gia trong các buổi kiểm tra không đều cũng ảnh hưởng đến việc kiểm tra xử lý.
        - Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế, do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ở một số khâu chưa được thực hiện tốt, cụ thể như việc cấp phép cho các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, qua làm việc các phường đều báo cáo không nắm được, không qua xác nhận của địa phương.
        3. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
        Qua giám sát, ban Văn hóa - xã hội nhận thấy công tác phòng chống tệ nạn xã hội được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thành phố Phan Thiết đặc biệt quan tâm, xác định nhiệm vụ đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của công tác đảm bảo an ninh trật tự góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường có nhiều đối tượng và tụ điểm tệ nạn ma túy, mại dâm phải xây dựng nghị quyết chuyên đề của cấp ủy Đảng và HĐND để chỉ đạo thực hiện.
        Trong năm 2007, qua triển khai thực hiện, các lực lượng trên địa bàn đã phát hiện 19 vụ mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy, 2 vụ mại dâm, 22 vụ đánh bạc dưới hình thức mua bán số đề, cá cuợc bóng đá. Triệt phá được 17 tụ điểm đánh bạc, phạt hành chính 7 đối tượng đánh bạc và 15 đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy. Lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh 5 đối tượng thường xuyên sử dụng trái phép chất ma túy, và 12 đối tượng hoạt động mại dâm tại các điểm karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ. Điều tra làm rõ 201/282 vụ, trong đó 11 vụ trọng án, thu hồi 77 xe máy, 8 điện thoại di động và các tài sản khác trị giá trên 400 triệu đồng. Triệt phá 11 băng nhóm tội phạm gồm 42 đối tượng, đề nghị truy tố 33 đối tượng, bắt và vận động đầu thú 28 đối tượng có lệnh truy nã, đưa 9 đối tượng vào quản lý giáo dục theo Nghị định 163/CP, lập hồ sơ đưa 28 đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.
        Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý thành phố cũng đã quan tâm chỉ đạo các ban ngành đoàn thể chú trọng công tác cảm hoá người lầm lỗi, vận động tái hòa nhập cộng đồng. Trợ giúp khó khăn cho 1 đối tượng trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 500.000 đồng.
Tuy nhiên, trong thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội của Thành phố cũng còn những vấn đề đáng quan tâm như:
        - Một số xã, phường ít quan tâm nên còn thiếu sự tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy, chưa nắm chắc số đối tượng trên địa bàn. Bên cạnh đó thì hoạt động của các đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma túy ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt là đối tượng “gái gọi”.
        - Việc giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai là hết sức khó khăn vì tâm lý chung của các doanh nghiệp là không muốn nhận những đối tượng này vào làm việc và địa phương không có điều kiện để giúp đỡ tạo việc làm cho những đối tượng sau cai nghiện vì vậy việc bị bạn bè lôi kéo, tái nghiện rất dễ xảy ra.
        - Ngân sách địa phương chi cho hoạt động bảo vệ an ninh trật tự của ngành công an và chi cho ban bảo vệ dân phố ở thành phố được cấp đầy đủ hàng năm nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các hình thức chi nên các đơn vị gặp khó khăn trong việc thanh quyết toán cuối năm./.