Báo cáo giám sát thị xã la Gi

8:35' 17/9/2012

Thực hiện chương trình công tác của Ban đã đề ra, vào ngày 04 và 06/3/2008, Ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại địa bàn thị xã La Gi. Nội dung giám sát: việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, hoạt động quản lý Nhà nước về văn hoá và dịch vụ văn hoá, công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Kết quả giám sát như sau:
        1. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”:
        Trong năm 2007 vừa qua, toàn thị xã có: 21.010/21.107 hộ gia đình đăng ký xây dựng “gia đình văn hóa”, đạt 99,54%, tăng 0,54% so với 2006. Kết quả bình xét có 16.898 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỉ lệ 80,05%, tăng 1,13% so với 2006; Phát động xây dựng 1 “khu phố văn hóa”, hoàn thành chỉ tiêu, nâng tổng số thôn, khu phố xây dựng đời sống văn hóa lên 66/66 thôn, khu phố đạt tỉ lệ 100%. Kết quả bình xét có 2 thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa, chiếm tỉ lệ 3,03%; Phát động 2 xã, phường xây dựng “xã, phường văn hóa”, nâng tổng số xã, phường phát động xây dựng xã, phường văn hóa lên 5/9, hoàn thành chỉ tiêu cả năm; Có 149/150 đơn vị đăng ký xây dựng “đơn vị có nếp sống văn minh”, kết quả bình xét có 139/149 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị có nếp sống văn minh”; Có 21/66 thôn, khu phố đạt danh hiệu “khu dân cư tiên tiến” trong đó có 2 khu phố đạt 2 năm liền và 2 khu phố đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu “thôn, khu phố văn hóa”.
        Qua giám sát Ban Văn hóa – xã hội nhận thấy:
        Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn thị xã La Gi đã dần đi vào thực chất, thể hiện ở sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể của thị xã và trong quá trình bình xét các danh hiệu. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của 3 cơ quan thường trực là Phòng VHTT-TT, UBMTTQ và Liên đoàn lao động thị xã. Thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” thị xã đã thực hiện tốt công tác tham mưu đề xuất cho Ban Chỉ đạo phong trào thị xã trong việc duy trì sinh hoạt định kỳ, củng cố và kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh quy chế họat động Ban Chỉ đạo phong trào các cấp. Ban Chỉ đạo thị xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra chất lượng phong trào ở từng địa phương để kịp thời có chỉ đạo hướng dẫn đến từng cơ sở. Qua thực hiện phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thị xã La Gi ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo toàn thị xã chỉ còn 6,02%, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng từng bước được nâng lên. Trong năm 2007 thị xã đã giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại cần tiếp tục quan tâm khắc phục như:
        - Chất lượng phong trào chưa đồng đều giữa các xã, phường (tỉ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa Tân An 88,79%, Phước Lộc 61,76%, Tân Phước 71,46%). Cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng còn nghèo nàn, thiếu thốn, Thị xã còn 43/66 thôn, khu phố và 6/9 xã, phường chưa có nhà văn hóa, điều này cũng đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức xây dựng và phát triển phong trào;
        - Tỉ lệ sinh con thứ 3 của thị xã còn cao (16,8%);
        - Tai nạn giao thông còn nhiều (20 vụ, 25 người chết, 11 người bị thương, tệ nạn xã hội nhiều nơi còn diễn biến phức tạp.
        - Còn nhiều hộ gia đình không đảm bảo 3 công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn, đặc biệt tập trung ở khu dân cư ven sông Dinh.
        - Việc thực hiện đăng ký và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, ở một số phường, xã còn mang tính hình thức, có nơi không thực hiện đúng quy trình, quy định.
        - Việc đăng ký thực hiện nếp sống văn minh ở một số cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, chưa gắn việc xây dựng nếp sống văn minh với nhiệm vụ xây dựng cơ quan. Một số cấp uỷ thiếu quan tâm, dẫn đến tình trạng một số đơn vị, cơ sở không làm hồ sơ xét công nhận danh hiệu cơ quan có nếp sống văn minh (có 5 cơ quan đến nay vẫn chưa có báo cáo về việc thực hiện nếp sống văn minh năm 2007 gồm: Ban Quản lý khu du lịch, Công ty LDKSQT Hải Tinh, Đội thanh tra thủy sản số 3, Phòng Bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt).
        2. Hoạt động quản lý Nhà nước về văn hoá và dịch vụ văn hoá:
Trong năm 2007, thị xã đã tổ chức 139 đợt kiểm tra, qua đó đã nhắc nhở 130 trường hợp, cảnh cáo 8 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp. Nội dung vi phạm chủ yếu là cơ sở kinh doanh hớt tóc mát xa không có bác sĩ trực tại cơ sở (hớt tóc mát xa Tân Thành), Karaoke, internet, cà phê giải khát…hoạt động quá giờ quy định, vi phạm quy định về diện tích, âm thanh, ánh sáng.
        Qua giám sát Ban nhận thấy công tác quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn thị xã La Gi được thực hiện khá tốt. Việc kiểm tra được tiến hành định kỳ và đột xuất, phát hiện xử lý đúng hành vi và đối tượng, sau xử lý đều tiến hành theo dõi và kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở vi phạm do đó các cơ sở vi phạm sau khi bị xử lý đều chấp hành tốt và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc thực hiện công tác này của thị xã cũng còn gặp một số khó khăn như:
        - Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế, do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ở một số khâu chưa được thực hiện tốt, cụ thể như việc cấp phép cho các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, các phường, xã không nắm được;
- Mặc dù các tổ kiểm tra 814 của các phường hàng tháng đều có tiến hành kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá nhưng thực tế, do kiến thức nghiệp vụ về mạng internet của các cán bộ trong đội kiểm tra 814 của các phường còn hạn chế nên việc quản lý các hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử tại các phường chủ yếu cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở cơ sở chấp hành giờ giấc hoạt động, chưa ngăn chặn được việc truy cập các trang web xấu một cách triệt để.
        3. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
        Theo kết quả phân loại, chấm điểm, đánh giá theo tiêu chí của Nghị quyết liên tịch số 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTƯMTTQVN ngày 17/11/2005 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thông tin và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định và hướng dẫn chỉ tiêu phân loại và đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy thì La Gi có: 1 xã và 2 phường trọng điểm về ma túy (Tân Phước, Phước Hội và Bình Tân); 3 xã và 3 phường có tệ nạn ma túy (Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Thiện, Tân An, Phước Lộc); 2 phường trọng điểm về mại dâm (Tân Thiện và Bình Tân); 1 xã, 2 phường có tệ nạn mại dâm(Tân Phước, Phước Hội, Tân An); các xã phường không có tệ nạn mại dâm gồm Phước Lộc, Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thị xã có 108 đối tượng nghiện ma túy. Năm 2007, Hội đồng tư vấn thị xã cũng đã xét trình UBND thị xã quyết định đưa 22 đối tượng nghiện ma túy và 10 đối tượng hoạt động mại dâm vào Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Bình Thuận.
        Qua giám sát, Ban Văn hóa – xã hội nhận thấy:
        Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được cấp uỷ và chính quyền thị xã La Gi quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những công tác quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
        Ban Chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội, với sự tham gia tích cực của Mặt trận, đoàn thể cũng đã tích cực vận động tuyên truyền con em hội viên không dính vào các tệ nạn. Đặc biệt Hội phụ nữ thị xã cũng đã tổ chức được 2 mô hình “Tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy” và “Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân cai nghiện và quản lý sau cai”. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội đã được tổ chức thường xuyên với nhiều loại hình; việc lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể và sinh hoạt của các nhóm đồng đẳng được duy trì tốt.
        Các địa phương ngòai việc tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý cũng đã quan tâm chỉ đạo các ban ngành đoàn thể cảm hoá người lầm lỗi, vận động tái hòa nhập cộng đồng (Phường Bình Tân tạo điều kiện được cho 2 đối tượng có việc làm tại công ty may Nhà Bè, Phường Phước Lộc tạo điều kiện cho 1 đối tượng học lái xe, 1 đối tượng làm việc tại công ty may Nhà Bè).
        Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn những tồn tại sau:
        Một số xã, phường tuy có xây dựng chương trình kế họach phòng chống tệ nạn xã hội nhưng chưa thật sự tập trung trong chỉ đạo, chưa thực hiện tốt sự phối hợp với mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc phân công nhiệm vụ theo dõi quản lý đối tượng, chưa tiến hành giao ban thường xuyên giữa ban chỉ đạo các địa bàn để nắm bắt tình hình. Ngòai ra, nghiệp vụ của cán bộ theo dõi công tác này của các xã, phường và thị xã còn nhiều hạn chế, do đó công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp có lúc chưa kịp thời./.