Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về “Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”

15:25' 28/1/2021

Thực hiện Thông báo số 42/TB-HĐND ngày 07/10/2020 của Thường trực HĐND tỉnh về Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại cuộc họp giao ban Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh tháng 10/2020; theo đó, giao Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp tại UBND phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết và UBND thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, giám sát qua báo cáo đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Qua khảo sát trực tiếp và qua báo cáo của các đơn vị, địa phương, Ban nhận thấy ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, tích cực trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chính sách. Các sở, ngành phối hợp hướng dẫn kịp thời vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ đối với người bán lẻ vé xổ số lưu động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hướng dẫn tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19…

Ban Chỉ đạo tỉnh đã thành lập các Tổ Kiểm tra thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Tổ kiểm tra đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại 09 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Phú Quý) từ ngày 18/5/2020 đến ngày 25/5/2020. Qua công tác kiểm tra cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời như: Việc chỉ đạo rà soát lập danh sách tại xã, từ xã chuyển lên huyện để kiểm tra, đối chiếu danh sách để gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt theo các nhóm đối tượng và thực hiện chi hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, chính xác, kịp thời.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, tại địa bàn các xã, phường, thị trấn chưa có đơn thư, phản ảnh liên quan đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Kết quả triển khai thực hiện tính đến ngày 23/12/2020

Hỗ trợ các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng và thân nhân Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hỗ trợ cho 115.323 đối tượng, với số tiền: 117.810.500.000 đồng.

Về hỗ trợ cho vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Đến nay đã hoàn thành hỗ trợ các đối tượng của 08 huyện, thị xã, thành phố.

Hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh: Hỗ trợ cho 28.239 đối tượng, với số tiền: 29.276.600.000 đồng.

Về hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động: Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vay vốn.

Thuận lợi

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tích cực chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai bộ Hỏi - đáp của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, video nhận biết và hướng dẫn hỗ trợ, bộ nhận diện hình ảnh về điều kiện hưởng gói hỗ trợ đến các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố và người dân trên địa bàn.

Quá trình hỗ trợ được tiến hành công khai, minh bạch, danh sách hỗ trợ được niêm yết theo từng đợt tại các xã, phường, thị trấn và các thôn, khu phố. Các Tổ giám sát được thành lập để giám sát chi trả hỗ trợ cho đối tượng tại xã. Qua kết quả khảo sát cho thấy không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân địa phương liên quan đến việc thực hiện và chi trả hỗ trợ.

Khó khăn, hạn chế

Công tác rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách gặp khó khăn, có tình trạng trùng, sai đối tượng dẫn đến một số địa phương mất nhiều thời gian thẩm định, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt và chi hỗ trợ. Việc cấp kinh phí ở một số địa phương chưa kịp thời sau khi đã được phê duyệt danh sách.

Thời gian đầu chưa có hướng dẫn cụ thể về các nhóm đối tượng được hỗ trợ, nhất là công việc làm thuộc nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để có cơ sở thực hiện; đồng thời các biểu mẫu có thay đổi cho phù hợp với Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nên ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp, bổ sung, hướng dẫn, triển khai đến các địa phương.

Đoàn khảo sát trực tiếp tại UBND thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Một số đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 mất việc làm hoặc thu nhập thấp, không ổn định, tuy nhiên không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP như: Thợ hồ, lao động làm việc tại các vựa thanh long, phụ bán quần áo, lao động may gia công, bốc vác….

Các địa phương đều gặp khó khăn khi xác định danh mục ngành nghề thuộc nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.  Việc lập hồ sơ, thủ tục của một số doanh nghiệp không đúng quy định, không đầy đủ (Báo cáo tài chính không thể hiện rõ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không còn nguồn tài chính để trả lương; chưa đúng thời điểm...) nên mất nhiều thời gian để hướng dẫn doanh nghiệp.

Tiêu chí để người sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ còn khó khăn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện được hỗ trợ. Vì vậy, đến nay chưa có hồ sơ của người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế

Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lần đầu triển khai, chưa có tiền lệ, được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, có đối tượng được hưởng từ 02 chính sách trở lên nên các ngành, các cấp gặp khó khăn, lúng túng nhất định trong quá trình triển khai thực hiện. Trong khi đó, các quy định về điều kiện, thủ tục để lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều vướng mắc, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội không ban hành văn bản hướng dẫn chính thức, chủ yếu là thực hiện hỏi đáp trên cổng thông tin điện tử của Bộ, dẫn đến lúng túng, vướng mắc, khó khăn trong việc hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện đến các địa phương

Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thống kê, rà soát, lập danh sách còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở vừa phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải triển khai thực hiện công tác rà soát, thống kê đối tượng và thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, không có hệ thống theo dõi thống nhất, dẫn đến tiến độ và chất lượng chưa cao.

Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở kết quả khảo sát, giám sát và xem xét kiến nghị của các cơ quan, đơn vị; Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, xem xét những khó khăn, vướng mắc nêu trên và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên tuyền sâu rộng cho doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp: Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và người dân về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh