Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Tánh Linh phát biểu nhiều nội dung tại kỳ họp thứ 15-HĐND tỉnh khóa XI

9:3' 12/7/2023

Tại phiên thảo luận tình hình tình hình kinh tế -xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm 2023 sáng ngày 11/7/2023, đại biểu Phạm Năng Hiệp thay mặt Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Tánh Linh đã tham gia phát biểu với nhiều nội dung, cụ thể:

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, nhất là những tháng đầu năm trong điều kiện vẫn còn ảnh hưởng dịch và nhiều khó khăn khác ảnh hưởng, tác động, nhưng qua nghiên cứu báo cáo và theo dõi tình hình thực tế, nhận thấy rằng kinh tế của tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao (tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng trưởng và xếp thứ hạng khá cao so với các địa phương khác trong cả nước), đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ - nhất là du lịch phục hồi tăng trưởng rất tốt, sau thời gian tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Phan Thiết-Vĩnh Hảo đi vào hoạt động.

So với cùng kỳ, doanh thu du lịch tăng hơn 2,5 lần, dịch vụ tăng 65,48% và đặc biệt là không xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá chặt chém và hàng hóa thì đảm bảo cung ứng, phục vụ cho nhu cầu của người dân và khách đến du lịch.

Đại biểu Phạm Năng Hiệp phát biểu tại kỳ họp thứ 15-HĐND tỉnh khóa XI.

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm trong lãnh chỉ đạo thực hiện, thường xuyên liên tục có những biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và tạo những điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình thực hiện (UBND tỉnh đã có hàng chục văn bản chỉ đạo liên tục và thường xuyên rất cụ thể, gắn trách nhiệm đối với từng sở ngành, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đến từng khâu công việc cụ thể, quy định cả về tiến độ thời gian như: Từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế-dự toán công trình, tháo gỡ cụ thể các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công của các nhà thầu, việc phân khai vốn cho đến khâu tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ, tạm ứng, thanh toán; trong đó rất quan tâm việc xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tuyên tryền, vận động, phối hợp, … ngay cả trong vấn đề về năng lực cán bộ có liên quan trong thực thi nhiệm vụ, các biện pháp khen thưởng, xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, cản trở, làm chậm tiến độ công trình, dự án, …).

Công tác cải cách hành chính được tiếp tục quan tâm, đạt được 1 số kết quả tích cực, chỉ số Papi năm 2022 được cải thiện tăng hạng (lên thứ 7 năm 2022/năm 2021 đứng thứ 12, tăng vượt 5 bậc), năm đầu tiên trong 12 năm công bố (từ 2011) tỉnh ta được vào tốp 10/63 tỉnh thành.

Việc thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa ban tỉnh theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 của HĐND tỉnh khá tích cực, kết quả đạt 99,7% (1942/1948 tàu).

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đã được phân tích chỉ ra tại báo cáo, đồng thời với đó là những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra để khắc phục và thực hiện trong 6 tháng cuối năm còn lại.

Tuy nhiên, cũng cần phân tích để rõ hơn một số vấn đề, cũng như kiến nghị bổ sung một số các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới như sau:

Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng còn khá thấp (26,54%, trong đó nguồn ngân sách tỉnh chỉ đạt 21,78%), mặc dù các biện biện pháp, giải pháp đặt ra như trên là có cải thiện trong quá trình thực hiện, nhưng nhận thấy kết quả đạt được chưa như mong muốn, theo chúng tôi các cơ quan tham mưu, sở ngành có liên quan, các chủ đầu tư cần phải có sự thường xuyên quan tâm sâu sát, tích cực, kịp thời và trách nhiệm nhiều hơn nữa, nhất là công tác phối hợp trong báo cáo, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phải thật nhanh chóng và trách nhiệm để thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh thì mới hy vọng là giải ngân vốn đầu tư công đạt được yêu cầu đề ra (hết 100% KH vốn), vì nếu không thì cái cũ chưa xong, sắp tới đây lại tiếp tục nhận các nguồn khác được phân khai, bổ sung sẽ tiếp tục bị chậm, kéo dài, nhất là đối với nguồn vốn có thời hạn sử dụng của Trung ương, nếu không là mất vốn.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh áp dụng ngay biện pháp khen thưởng nóng và xử lý trách nhiệm cho từng công trình, dự án và có thể là cho từng giai đoạn cụ thể của công trình, dự án, không cần để tập trung vào dịp cuối năm hoặc khi đánh giá kết quả công tác hàng năm - Thậm chí là áp dụng biện pháp chế tài trong phân bổ nguồn vốn đồng thời với thưởng trong ưu tiên phân bổ công trình, dự án đối với các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Vì hiện nay vẫn đang có trường hợp, có thể do qua sự việc cũ nên có cán bộ công chức cũng đang rất kỹ lưỡng, rất chặt chẽ, thậm chí là đến quá mức của sự chặt chẽ, kỹ lưỡng và thận trọng trong tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề nên dẫn đến có tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, không tích cực và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ (không những trong lĩnh vực này mà còn ở nhiều lĩnh vực khác vẫn còn việc không đi vào trọng tâm tham mưu, trả lời, giải quyết các vướng mắc, khó khăn đặt ra cụ thể mà vẫn còn chung chung, nguyên tắc theo một quy định chung chung nào đó).

Về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy có giảm so cùng kỳ nhưng nhận thấy quy mô vốn đăng ký mới tăng, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại cũng tăng, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và tiến hành thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động tăng 16,28% (chỉ mới 6 tháng đầu năm có khoảng 250 doanh nghiệp, trong khi cả năm 2022 chỉ 287 doanh nghiệp), vấn đề này cũng cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn ở ngành nghề, lĩnh vực nào để thấy rõ hơn; nếu những doanh nghiệp này thuộc nhóm ngành nghề không trọng yếu trong cơ cấu ngành nghề trọng yếu tác động hoặc ảnh hưởng lớn trong cơ cấu chung của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì chúng ta yên tâm, nhưng nếu ngược lại thì cũng cần có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp này quay trở lại hoạt động nhằm góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Vấn đề khó khăn của ngành y tế hiện nay về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ chuyên môn và một số khó khăn khác; qua tiếp xúc cử tri, tiếp cận, tìm hiểu và khảo sát thực tế thì chúng tôi nhận thấy rằng ngành đang rất khó khăn, thậm chí là hết sức khó khăn (đơn cử là khoản nợ phải thu/phải trả hiện nay là rất khổng lồ đối với ngành, trên 150 tỷ đồng).

Về nguyên nhân vấn đề này, có cả chủ quan và khách quan chứ không chỉ là khách quan do bởi các quy định của Trung ương, trong đó trách nhiệm thuộc về các đơn vị trực tiếp thuộc ngành, Sở Y tế là chính, các cơ quan khác có liên trong trách nhiệm quản lý (từ khâu xây dựng, lập kế hoạch, dự toán, báo cáo, phê duyệt kế hoạch đến khâu chấp hành, lập báo cáo quyết toán, thẩm tra, thẩm định, thông báo kết quả, trong đó quan  trọng nhất là các biện pháp đặt ra, đề xuất, kiến nghị xử lý các tồn tại, khó khăn qua công tác thẩm tra, thẩm định quyết toán của ngành và cơ quan tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Luật Kế toán). Vì các vấn đề khó khăn của ngành y tế không phải mới đây mà kéo dài qua rất nhiều năm, có trường hợp gần 10 năm mà vẫn chưa được giải quyết (vấn đề hồ sơ sổ sách, đối chiếu công nợ phải thu, phải trả; vấn đề chủ trương, giá cả hạch toán đối với các khoản mượn thiết bị, vật tư; các căn cứ pháp lý để thu nợ, trả nợ (vì theo quy định hiện nay của Luật đấu thầu, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng không có quy định nào cho phép thực hiện đối với việc đấu thầu để trả nợ); việc thẩm tra, thẩm định báo cáo tài chính, …); một sự nhầm lẫn trong quản lý tài chính hiện nay là ngành cho rằng các khoản bị từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định của cơ quan BHXH là khoản phải thu là hoàn toàn không đúng quy định, mà vấn đề này cần phải xem xét về trách nhiệm để phân định giải quyết theo quy định của pháp luật kế toán, … và một số vấn đề khác nữa mà chúng tôi tiếp cận được thông tin.

  Qua đây, xin kiến nghị và đề nghị cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan tham mưu, sở ngành có liên quan mà trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo ngành y tế, phải rất quyết tâm, tập trung cao và trách nhiệm tích cực thì mới giải quyết được rốt ráo, nhanh chóng, dứt điểm được về tình hình quản lý, kiểm soát cũng như lành mạnh tình hình tài chính, kinh phí như hiện nay của ngành được; nếu không thì hết nhiệm kỳ này và có thể trong nhiều năm tới, ngành y tế cũng khó trả hết được nợ. Vấn đề thiếu bác sĩ chuyên môn hiện nay cũng là vấn đề sẽ kéo theo hệ lụy của việc sử dụng hiệu quả trang thiết bị chuyên ngành như thời gian vừa qua, liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và trong thực hiện quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đang gặp khó khăn như hiện nay, … kiến nghị ngành y tế cần sớm có những giải pháp hoặc kiến nghị để vấn đề này sớm được giải quyết./.

Tấn Duy