Ban Dân tộc HĐND tỉnh thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh, khóa XI

17:16' 16/12/2022

Vào ngày 08/12/2022, tại Hội trường B - Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh, khóa XI; trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; qua hoạt động khảo sát, giám sát trong năm 2022, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham gia 02 nội dung cụ thể như sau:

Một là, về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở các văn bản, quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; căn cứ các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, phân khai chi tiết nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện. Đến nay, HĐND cấp huyện cũng đã ban hành các Nghị quyết phân khai chi tiết kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ; các địa phương đã kết hợp nguồn vốn ngân sách huyện với nguồn vốn được phân bổ của Chương trình để đảm bảo nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án, tiểu dự án trên địa bàn.

 

 

Toàn cảnh kỳ họp.

 

Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai Chương trình còn rất chậm (tính từ thời điểm tháng 9/2021 đến nay, sau một năm triển khai, hầu như mới chỉ thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách). Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư phải theo các bước, quy trình quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng nên đến nay hầu hết các địa phương đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa triển khai thực hiện nên khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2022. Nguyên nhân là do Trung ương phân bổ vốn chậm, văn bản hướng dẫn của Bộ ngành, cơ quan chuyên môn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa cụ thể, không rõ ràng nên các địa phương trong triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng. Một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc hoàn thiện các văn bản, đẩy nhanh việc giao vốn, giải ngân vốn được giao. Các dự án, tiểu dự án của Chương trình rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai trong khi quy mô các công trình, các nội dung chính sách lại nhỏ, được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau nên quá trình tổng hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn.

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được các mục tiêu cụ thể đã đề ra theo Kế hoạch của tỉnh, đề nghị HĐND, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian đến; chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các thủ tục, văn bản hướng dẫn liên quan, đảm bảo đồng bộ; đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nhằm đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư theo quy định. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng. Kịp thời ban hành quy định hướng dẫn việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án; xác định những công trình, dự án bức thiết gắn liền với mục tiêu trọng tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư. Chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn trách nhiệm theo dõi địa bàn và các dự án, tiểu dự án của ngành mình phụ trách; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra.

Hai là, về công tác bảo tồn và phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả, được đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, góp phần vào việc phát triển du lịch văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Việc tổ chức và phục dựng lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm thực hiện. Hầu hết các lễ hội diễn ra đúng kế hoạch, nội dung, thời gian và theo tập tục truyền thống, không có tình trạng biến đổi, thương mại hóa hoặc lợi dụng tổ chức lễ hội để trục lợi. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các Nhà văn hóa xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gắn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy được quan tâm triển khai thực hiện nhưng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số kết quả đạt được chưa cao. Một số di sản văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh có xu hướng mai một, khó có điều kiện và khả năng để bảo tồn, phục hồi. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được các tổ chức, đơn vị có năng lực về tài chính quan tâm đầu tư, tài trợ. Nguồn vốn của Nhà nước phân bổ hàng năm cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa ở tỉnh còn hạn chế, dàn trải và không tập trung, mang tính phân tán và nhỏ lẻ so với thực trạng về số lượng các di sản văn hóa bị xuống cấp, mai một dần theo thời gian ngày càng nhiều. Hầu hết các Nhà văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hệ thống nước sinh hoạt, chưa có bàn, ghế (hoặc có nhưng đã hư hỏng); trần nhà, tường nhà bị dột, thấm nước khi trời mưa; hệ thống âm thanh qua nhiều năm sử dụng đã hư hỏng (không đáp ứng điều kiện trong quá trình sinh hoạt, hội, họp);... Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (chống xuống cấp, trùng tu di tích, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không còn nữa, ảnh hưởng lớn đến nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm và có lộ trình đầu tư một cách đồng bộ các thiết chế văn hoá, trùng tu các di tích và đầu tư các công trình phụ trợ, trang thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào bảo vệ, hệ thống điện, nước sinh hoạt,...; nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa; tiếp tục duy trì và xem xét hỗ trợ đối với những người trông coi di tích cấp quốc gia, nơi không có nguồn thu, để đảm bảo việc bảo vệ các di tích; chỉ đạo UBND các huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa; tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn có di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tiếp tục bố trí vốn để sớm triển khai hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Đền tháp PôSahInư để phát huy giá trị văn hoá và phục vụ du lịch của tỉnh.

BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH