Kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người dân

16:0' 26/10/2021

BT- Sáng 25/10, Quốc hội đã nghe các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông chủ trì tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông chủ trì tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả. 

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông bày tỏ sự quan tâm nhất là Điều 14 về nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Tại khoản 1 nêu những nội dung cơ bản hợp đồng, đại biểu Thông hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, tại khoản 2, ngoài những nội dung theo yêu cầu luật bắt buộc thì còn có nhiều nội dung chứa đựng các cụm từ, thuật ngữ người dân không hiểu hết. Khi xảy ra tranh chấp, các công ty bán bảo hiểm dựa vào nội dung này để gây bất lợi cho dân. Do vậy, đại biểu Thông đề nghị bổ sung thêm cụm từ “…những nội dung này không trái với khoản 1, điều này” để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Điều 151 về quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tại Điểm K, khoản 2, dự thảo Luật quy định “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm…”. Đại biểu Thông không đồng ý giao Bộ Tài chính mà nên giao cho các tổ chức nghề nghiệp để tổ chức thêm và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hậu kiểm và có chế tài xử lý vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên của đại biểu Thông, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng, vấn đề này nên xã hội hóa hoặc giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bộ Tài chính chỉ cần tập trung vào việc tham mưu ban hành chính sách và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, đại biểu Sỹ cũng phân vân làm sao khi ban hành luật và các văn bản dưới luật cần quản lý chặt về mặt nhà nước các hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu Sỹ lý giải, thực tế trên thị trường nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước kinh doanh bảo hiểm xã hội. Khi quảng bá giới thiệu sản phẩm đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn thu hút người dân tham gia. Tuy nhiên, khi người dân tham gia mới vỡ lẽ không như mời gọi ban đầu. Xảy ra tranh chấp, phần lớn người dân chịu thua thiệt.

Còn theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, tại Điều 4, đề nghị ban soạn thảo bổ sung giải thích “Thế nào là bảo hiểm nhóm?”. Tại Điều 17 xung quanh quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị sửa “người thứ 3” thành “bên thứ 3” cho phù hợp.

Liên quan đến Chương 4: Bảo hiểm quy mô, toàn bộ chương đã thể hiện được nhiều đối tượng tham gia, từ cá nhân, các hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo đại biểu Linh về quy định trong chương này chưa chặt chẽ, còn chung chung. Đề nghị cần quy định rõ hơn để người dân thấy được quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ tính mạng sức khỏe, thương tật để thu hút người dân tham gia nhiều hơn.

(Phòng Công tác Quốc hội dẫn nguồn tác giả Thu Hà, Báo Bình Thuận)