HĐND tỉnh giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự biến động về đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai tỉnh

7:14' 25/11/2020

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự biến động về đất đai trong giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

 

 

Quang cảnh buổi làm việc

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (bắt đầu từ tháng 3/2020), trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, được thành lập theo Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 14/5/2015 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2015. Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2020, đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân theo cơ chế một cửa liên thông 35.918 hồ sơ/22.797 ha; đạt 84,47% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận, đạt 117,97% về diện tích so với kế hoạch tỉnh giao (19.324 ha) và cho tổ chức là 781 hồ sơ/6.891,82 ha, đạt 67,85% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận, đạt 229,72 % so với kế hoạch tỉnh giao (3.000 ha).

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả đạt được và nỗ lực của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và hệ thống các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trong việc giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm của Văn phòng và các Chi nhánh; kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận có sự chuyển biến tích cực, hàng năm hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy do UBND tỉnh và UBND cấp huyện phân bổ; giải quyết hồ sơ thủ tục đăng ký biến động đất đai đạt kết quả khá tốt và đã cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thuộc Dự án Tổng thể.

Tuy nhiên, công tác lập, cập nhật, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính thuộc trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh, nhất là đối với các địa phương chưa thực hiện Dự án Tổng thể còn nhiều hạn chế, thiếu sót; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đối với tổ chức; công tác đo đạc địa chính, thẩm tra, kết luận hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân của các Chi nhánh còn chậm, hồ sơ tồn đọng nhiều; hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu, hồ sơ đăng ký biến động đất đai của tổ chức giải quyết trễ hẹn còn khá nhiều,... Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan; trong đó, có việc phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh nhiều trường hợp còn chậm trễ, phối hợp xử lý để tham mưu UBND tỉnh ban hành giá đất cụ thể rất chậm, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, có trường hợp phải trả lại hồ sơ cho tổ chức.

Qua đó, Đoàn giám sát đã đề nghị Văn phòng Đăng ký đât đai tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật; có kế hoạch chỉ đạo tập trung giải quyết số hồ sơ đang còn tồn đọng tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện; tăng cường tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn về phần mềm ElisCloud để quản lý, cập nhật và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai;..... Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng ghi nhận những kiến nghị của Văn phòng Đăng ký đất đai tại buổi làm việc và nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị tại báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X./.

BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH