BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT TẠI HUYỆN ĐỨC LINH

8:21' 17/9/2012

Thực hiện kế hoạch giám sát quý II năm 2008, ngày 28/4/2008 Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Đức Linh về tình hình triển khai kế hoạch kinh tế và dự toán thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách địa phương năm 2008; kết quả thực hiện trong 4 tháng đầu năm; việc phân khai nguồn vốn XDCB tập trung của huyện năm 2008; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.

 

Sau khi nghe lãnh đạo UBND huyện báo cáo tình hình theo yêu cầu của đoàn và ý kiến của các thành viên tham gia dự họp, Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả làm việc như sau:
        I. Về tình hình triển khai thực hiện các nội dung trên của UBND huyện:
        1. Trên cơ sở quyết định việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của UBND tỉnh và nghị quyết HĐND huyện, UBND huyện đã phân giao các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho các ban ngành và các xã, thị trấn; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của huyện đã được xây dựng tích cực đúng theo các chỉ tiêu của UBND tỉnh đã giao; một số chỉ tiêu triển khai cao hơn chỉ tiêu của UBND tỉnh giao như sản lượng lương thực 95.000 tấn (tăng 4.000 tấn so với tỉnh giao), diện tích một số cây trồng tăng trên 6.000 ha so với tỉnh giao, giải quyết việc làm 3.500 lao động (tăng 1.400 lao động so với tỉnh giao)… thể hiện tính tích cực và phấn đấu của huyện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế năm 2008.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu cụ thể về diện tích cây trồng và con nuôi tỉnh giao cao, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: cây bắp giao cao hơn 660 ha; cây mía giao cao hơn 250 ha; cây bông vải giao cao hơn 175 ha do nông dân chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Tổng đàn chăn nuôi bò và dê giao cao hơn 1900 con, tuy có sinh sản và phát triển nhưng không tăng nhiều so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch.
        Trong 4 tháng đầu năm 2008, huyện đã thực hiện đạt được một số kết quả nhất định: diện tích gieo trồng vụ Đông xuân tăng 10,6% so cùng kỳ; đã gieo trồng lúa Hè thu sớm 1.125 ha; sản xuất CN-TTCN tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng mạnh. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt khá cao 23,788 tỷ đồng, bằng 34,8% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, tăng 41,7% so cùng kỳ năm trước. Một số khó khăn như tình hình nông dân chặt cây điều chuyển đổi sang trồng cây cao su, cây mì khoảng 1.000 ha; năng suất thu hoạch điều đạt 4,74 tạ/ha thấp so với các năm trước; một số vườn tiêu bị chết ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
        2. Dự toán thu ngân sách năm 2008 do HĐND tỉnh giao là 68,3 tỷ đồng, UBND tỉnh giao phấn đấu là 74,52 tỷ đồng. UBND huyện giao 75 tỷ đồng, tăng 6,7 tỷ đồng so với chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 480 triệu đồng so chỉ tiêu phấn đấu của UBND tỉnh giao. Trong đó, khoản thu tăng so với chỉ tiêu của HĐND tỉnh gồm tiền sử dụng đất 1,5 tỷ đồng, thu ngoài quốc doanh 3,5 tỷ đồng và các khoản thuế, phí khác là 1,7 tỷ đồng. Huyện cũng xác định các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cả năm 2008 theo Nghị quyết HĐND huyện, bằng cách thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh nông sản và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; triển khai quản lý chặt các hộ kinh doanh nông sản tạo nguồn thu lớn; chỉ đạo các xã, thị trấn thu ngân sách ngay từ những tháng đầu năm, nhất là xác định những nguồn thu trọng tâm để áp dụng nhiều biện pháp quản lý thuế có hiệu quả; đẩy mạnh công tác thu nợ đọng, thuế phát sinh trong bộ thuế cố định.
        Về chi ngân sách địa phương năm 2008 được xây dựng căn cứ vào nhiệm vụ phát triển KTXH ở địa phương, bảo đảm các khoản chi lương, các khoản có tính chất lương cho bộ máy hành chính sự nghiệp, đáp ứng vốn cho chi đầu tư phát triển và các khoản chi cần thiết khác. Tổng chi ngân sách địa phương là 133,555 tỷ đồng, trong đó chi XDCB 8 tỷ đồng, chi thường xuyên 125,55 tỷ đồng. Huyện đã chủ động phân khai kế hoạch chi XDCB năm 2008 nguồn vốn tập trung của huyện.
        Trong bố trí chi sự nghiệp giáo dục, dự toán năm 2008 của ngành giáo dục huyện phân bổ định mức chi theo Nghị quyết HĐND tỉnh là 68,467 tỷ đồng, trong đó chi cho con người là 64,809 tỷ đồng, chi hoạt động 3,658 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,4% trên tổng chi thấp hơn một số huyện khác. Định mức chi ngân sách cho giáo dục và y tế cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của huyện, nhưng do số giáo viên tiểu học còn thừa (khoảng 83 người) so với Thông tư 35 nên việc phân bổ dự toán chi đối với trường thừa giáo viên thì chỉ cân đối phần tiền lương cơ bản, không có phụ trội trong khi chờ bố trí công tác khác.
        3. Về tình hình phân khai vốn XDCB năm 2008 và tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện:
        3.1. Tổng vốn chi đầu tư XDCB trên địa bàn huyện năm 2008 là 35,106 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do tỉnh phân khai giao huyện làm chủ đầu tư là 27,106 tỷ đồng và nguồn vốn huyện tự cân đối và phân khai là 8 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách huyện bố trí thanh toán nợ công trình hoàn thành 1,5 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư 200 triệu đồng, công trình chuyển tiếp và làm mới là 6,3 tỷ đồng. Trong nguồn vốn huyện chịu trách nhiệm phân khai, chi cho giáo dục là 1,81 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,63%, bao gồm chuẩn bị đầu tư 01 dự án, xây dựng và sửa chữa nhỏ 10 công trình trường học.
Nhìn chung, mức vốn đầu tư hiện nay là rất thấp so với nhu cầu đầu tư kết cầu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là các công trình trường học đang xuống cấp nhưng không có vốn để sửa chữa lớn; các công trình xây dựng mới chưa triển khai được do giá vật tư tăng cao không có đơn vị nào tham gia đấu thầu; các công trình chuyển tiếp tiến độ thi công chậm lại.
        3.2. Tình hình thực hiện các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN: Tính đến tháng 4/2008, toàn huyện có 160 dự án được chấp thuận đầu tư. Trong đó:
        + Có 46 dự án do Tỉnh cấp phép đầu tư bao gồm: 21 dự án công nghiệp; 07 dự án nông lâm nghiệp; 18 dự án kinh doanh xăng dầu. Hầu hết các dự án đang hoạt động hoặc triển khai xây dựng; một số các dự án chưa thực hiện được do còn vướng đất lấn chiếm không giải toả được hoặc dừng thực hiện dự án do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn.
        + Có 114 dự án do Huyện chấp thuận đầu tư (trong đó có 40 dự án được UBND huyện chấp thuận lập dự án đầu tư, 30 dự án không đủ điều kiện chấp thuận lập dự án đầu tư). Cụ thể: 8 dự án trồng cây ăn quả, 2 dự án trồng cây cao su, 2 dự án chăn nuôi, 54 dự án nuôi trồng thuỷ sản, 27 dự án sản xuất gạch sét nung, 3 dự án may mặc và may tre đan xuất khẩu, 1 dự án đũa tre xuất khẩu, 3 dự án chế biến mủ cao su, 3 dự án chế biến tinh bột mì, 1 dự án thức ăn gia súc, 2 dự án ép dầu vỏ điều, 2 dự án tole kẻm, 1 dự án gia công cấu kiện sắt, 5 dự án sửa chữa cơ khí.
        Nhìn chung, hầu hết các dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số các dự án chưa thực hiện đầu tư do vướng mắc trong công tác đền bù, vướng quy hoạch hoặc phải bổ sung thủ tục đầu tư.
        Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả giám sát tại huyện Đức Linh./.