BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT TẠI HUYỆN TUY PHONG

8:24' 17/9/2012

Thực hiện kế hoạch giám sát quý I năm 2008, chiều ngày 13/3/2008 Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Tuy Phong về tình hình triển khai kế hoạch kinh tế và dự toán thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách địa phương năm 2008; việc phân khai nguồn vốn XDCB tập trung của huyện năm 2008; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.

I. Về tình hình triển khai thực hiện các nội dung trên của UBND huyện:
        1. Trên cơ sở quyết định việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của UBND tỉnh và nghị quyết HĐND huyện, UBND huyện đã phân giao các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho các ban ngành và các xã, thị trấn vào ngày 31/12/2007, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của huyện đã được xây dựng tích cực đúng theo các chỉ tiêu của UBND tỉnh đã giao; một số chỉ tiêu triển khai cao hơn chỉ tiêu của UBND tỉnh giao như sản lượng lương thực 14.000 tấn (tỉnh giao 13.570 tấn), giải quyết việc làm 2.500 lao động (tỉnh giao 2.100 lao động), giảm hộ nghèo 800 hộ (tỉnh giao 600 hộ)… thể hiện tính tích cực và phấn đấu của huyện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế năm 2008.
        Tuy nhiên, một số chỉ tiêu tỉnh giao nhưng trên thực tế diện tích đất không có như:
        + Diện tích nuôi tôm: Qua khảo sát thực tế tại địa phương chỉ còn 300 ha nhưng UBND tỉnh giao 500 ha, do những năm qua tình hình nuôi tôm không mang lại hiệu quả nên một số hộ dân đã bỏ đất hoang hoặc chuyển mục đích sử dụng; diện tích tôm của 2 xã Hoà Phú và Phan Rí Cửa năm trong quy hoạch 118 ha Khu dân cư Hòa Phú và cầu vượt Sông Luỹ.
        +Diện tích nho: Tỉnh giao 480 ha nhưng thực tế diện tích trồng nho tại địa phương không đủ, do hạn hán những năm về trước, một số diện tích nho đã chết nên dân chuyển sang trồng các loại cây khác, hiện nay diện tích trồng nho của huyện chỉ còn 160 ha.
        2. Dự toán thu ngân sách năm 2008 do HĐND tỉnh giao là 82,5 tỷ đồng, Nghị quyết HĐND huyện giao 89,860 tỷ đồng, tăng 7,36 tỷ đồng so với chỉ tiêu pháp lệnh. Trong đó, khoản thu giao tăng so với chỉ tiêu của HĐND tỉnh gồm thu DNNN 600 triệu đồng, thu ngoài quốc doanh 2,75 tỷ đồng, thu cấp quyền SDĐ 3 tỷ đồng, thu khác ngân sách 1760 triệu đồng…. Huyện cũng xác định các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cả năm 2008 theo Nghị quyết HĐND huyện, bằng cách triển khai tốt Luật Quản lý thuế; tập trung các biện pháp chống trốn lậu thuế, gian lận thương mại; tăng cường đôn đốc thu nợ; tăng cường kiểm tra việc kê khai nộp thuế, quản lý hoá đơn, chứng từ; khảo sát và điều chỉnh thuế phù hợp với hộ kinh doanh nộp thuế khoán; tập trung thu huy động từ nguồn quỹ đất.
        Về chi ngân sách địa phương năm 2008 được xây dựng căn cứ vào nhiệm vụ phát triển KTXH ở địa phương, bảo đảm các khoản chi lương, các khoản có tính chất lương cho bộ máy hành chính sự nghiệp, đáp ứng vốn cho chi đầu tư phát triển và các khoản chi cần thiết khác. Tổng chi ngân sách địa phương là 121,899 tỷ đồng, thấp hơn dự toán chi ngân sách UBND tỉnh giao là 692 triệu đồng, do đây là khoản chi sự nghiệp y tế đã ứng trước từ ngân sách tỉnh năm 2007, trong năm 2008 tỉnh thực hiện bổ sung có mục tiêu và thu hồi tạm ứng nên huyện không bố trí chi trong dự toán 2008.
        Trong bố trí chi sự nghiệp giáo dục, dự toán năm 2008 của ngành giáo dục huyện phân bổ định mức chi theo Nghị quyết HĐND tỉnh là 51.340 triệu đồng, trong đó phần chi cho con người theo lương mới đảm bảo, phần chi cho hoạt động tính theo từng cấp học và số lượng lớp học trong từng trường chiếm thấp khoảng 8% .
        3. Về tình hình phân khai vốn XDCB năm 2008 và tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện:
        - Tổng vốn đầu tư XDCB do huyện quản lý và phân khai là 16,416 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ có mục tiêu là 1,416 tỷ đồng và nguồn vốn cân đối ngân sách huyện chủ động phân khai là 15 tỷ đồng( gồm nguồn NSTT 3 tỷ đồng và tiền SDĐ 12 tỷ đồng). Cụ thể, huyện bố trí thanh toán nợ công trình hoàn thành 1,5 tỷ đồng, công trình chuyển tiếp 1,5 tỷ đồng, công trình mới là 3,8 tỷ đồng, ngành giáo dục và y tế 1,81 tỷ đồng, hỗ trợ đền bù và cân đối để lại các xã, thị trấn 5 tỷ….
        - Đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN: Tính đến tháng 3/2008, toàn huyện có 72 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 1.241,73 tỷ đồng với diện tích 676,08 ha. Trong đó: 4 dự án du lịch; 33 dự án nuôi trồng thuỷ sản; 13 dự án công nghiệp-dịch vụ; 3 dự án nông lâm nghiệp; 12 dự án xăng dầu, 1 dự án nuôi thuỷ hải sản khác, 6 dự án nước ngoài đầu tư.
Đến nay có 49/72 dự án đã đầu tư đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng, 1 dự án (Hải Ninh) vướng đền bù giải toả, 15 dự án chưa triển khai xây dựng. Trong các dự án chưa triển khai có dự án Khu du lịch Hải Yến (Vĩnh Tân) thuê đất từ năm 2004 và dự án sản xuất tôm giống của Công Ty TNHH Viễn Thắng (Vĩnh Tân) thuê đất từ năm 2003 đến nay chưa tác động gì.
        Nhìn chung, qua việc triển khai nhiệm vụ kinh tế ngân sách năm 2008 của huyện, bên cạnh những mặt thuận lợi còn có những khó khăn cần tập trung tháo gỡ như:
        + Việc giao chỉ tiêu thu NSNN khá cao so với tình hình thực tế địa phương, trong đó một số khoản thu giao khá cao như thu NQD, tiền thuê đất, thu phí cân đối, thu khác ngân sách là các khoản thu điều tiết ngân sách huyện 100% nếu thu không được sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách địa phương.
        + Việc các ngành chức năng của huyện kiểm tra tiến độ thực hiện các chủ dự án do tỉnh quản lý còn nhiều khó khăn do không có thông tin hoặc chủ dự án không tiếp. Đây là vấn đề cần tháo gỡ trong việc phối hợp thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc các dự án giữa huyện và tỉnh.
        Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả giám sát tại huyện Tuy Phong./.