BÁO CÁO”Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại về đất đai của ông Phạm Thanh, thường trú tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân”

8:56' 17/9/2012

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại về đất đai của ông Phạm Thanh, thường trú tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Kết quả giám sát như sau:

I. Nội dung tranh chấp đất đai của gia đình bà Huỳnh Thị Xây, bà Phạm Thị Liên, ông Phạm Trị và ông Phạm Thanh và quá trình giải quyết.
        - Năm 2003, bà Huỳnh Thị Xây, bà Phạm Thị Liên và ông Phạm Thanh có đơn khởi kiện ra Tòa án tranh chấp quyền sử dụng đất và chia tài sản thuộc sở hữu chung đối với vợ chồng ông Phạm Trị và bà Hồ Thị Kim Loan. Ngày 05/4/2004, Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân xử sơ thẩm. Ngày 31/8/2004 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm. Nội dung 2 Bản án tuyên xử:
        Bác yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung của bà Huỳnh Thị Xây và bà Phạm Thị Liên. Chấp thuận một phần yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung của ông Phạm Thanh. Buộc vợ chồng ông Phạm Trị có nghĩa vụ thanh toán cho ông Phạm Thanh 8.400.000 đồng (trị giá 01 lò gạch). Vợ chồng ông Phạm Trị được sở hữu các tài sản gồm: 02 lò gạch, máy nổ, dàn kéo đúc gạch, 02 xe kéo gạch bằng tay, máy quạt lò, giếng nước, móng nhà, căn nhà tạm, cây gỗ, tổng trị giá 29.208.000 đồng (hiện nay 2 lò gạch nằm trên diện tích đang tranh chấp tại thôn Tân Hưng). Riêng đối với nội dung tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án không xem xét giải quyết vì đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
        - Sau đó, bà Xây, bà Liên và ông Thanh có đơn tranh chấp đất đai với ông Phạm Trị, gồm khu đất 17.788m2 làm cơ sở sản xuất gạch tại thôn Tân Hưng và khu đất lấy sét làm gạch 13.692m2 tại thôn Tân Hòa, thuộc xã Sông Phan. Ngày 20/7/2005, UBND xã Sông Phan tổ chức hòa giải việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Xây, bà Liên, ông Thanh và ông Trị nhưng không thành, nên chuyển hồ sơ đến UBND huyện Hàm Tân giải quyết.
        - Ngày 25/11/2005, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân ban hành Quyết định số 2427/QĐ-CT-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Huỳnh Thị Xây và ông Phạm Trị, với nội dung: “Không chấp thuận nội dung đơn của bà Huỳnh Thị Xây (cùng con Phạm Thị Liên và Phạm Thanh) tranh chấp đất đai với ông Phạm Trị, vì lý do không chứng minh được nguồn gốc và quá trình sử dụng trên khu đất tranh chấp tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Xét hoàn cảnh hiện nay chưa có chỗ ở nên cho phép bà Huỳnh Thị Xây (con là Phạm Thanh) được sử dụng 1.540 m2 đất tại khu vực tranh chấp mà hiện nay có căn nhà do bà Xây, ông Thanh xây dựng vào năm 2003, phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Thừa nhận quyền sử dụng 29.940m2 đất cho ông Phạm Trị (trong đó khu vực thôn Tân Hưng 16.248m2 và khu vực thôn Tân Hòa 13.692m2)”.
        Không đồng ý nội dung giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, ngày 08/12/2005, bà Huỳnh Thị Xây cùng 2 con Phạm Thị Liên và Phạm Thanh khiếu nại đến UBND tỉnh.
        - Ngày 20/7/2006, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1863/QĐ-UBND giải quyết, với nội dung: “Không chấp thuận nội dung đơn của bà Huỳnh Thị Xây (cùng con là bà Phạm Thị Liên và ông Phạm Thanh) tranh chấp 31.480m2 đất gồm 2 khu vực thuộc thôn Tân Hưng và thôn Tân Hòa, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân với ông Phạm Trị, vì bà Xây, bà Liên và ông Thanh không có giấy tờ pháp lý chứng minh được việc góp tiền, góp công để mua và khai phá đối với phần đất trên. Công nhận Quyết định số 2427/QĐ-CT-UBND ngày 25/11/2005 của Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân là đúng quy định pháp luật”.
        Ngày 18/10/2006, ông Phạm Thanh và bà Phạm Thị Liên tiếp tục gửi đơn khiếu nại Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết 17.788m2 đất tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan vì đây là đất do gia đình gồm bà Xây, bà Liên, ông Thanh và ông Trị cùng góp công khai phá chứ không phải đất ông Phạm Trị sang nhượng lại của ông Huỳnh Nuôi và ông Phạm Thủy.
        - Ngày 12/12/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 3153/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại về quản lý đất đai của ông Phạm Thanh, với nội dung: “Công nhận một phần nội dung đơn ngày 18/10/2006 của ông Phạm Thanh khiếu nại Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh. Sửa Điều 1, Điều 2 Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 như sau: Công nhận gia đình bà Huỳnh Thị Xây, bà Phạm Thị Liên và ông Phạm Thanh được quyền sử dụng 5.740m2 đất tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan (trong đó, 1.540m2 đất đã giao theo Quyết định số 2427/QĐ-CT-UBND ngày 25/11/2005 của Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân và 4.200 đất ruộng tiếp giáp với tường rào cây xăng về hướng Đông). Gia đình ông Phạm Trị được quyền sử dụng 12.048m2 đất (tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan).
        - Ông Phạm Thanh và ông Phạm Trị có đơn khiếu nại Quyết định số 3153/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 21/10/2008, UBND tỉnh có Công văn số 5070/UBND-NC trả lời cho ông Phạm Trị và Công văn số 5080/UBND-NC trả lời cho ông Phạm Thanh. Nội dung 2 Công văn này khẳng định nội dung Quyết định số 3153/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh là thấu tình, đạt lý trong tình cảm giữa mẹ con và anh chị em trong gia đình, phù hợp quy định của pháp luật.
        - Ông Phạm Thanh và ông Phạm Trị vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh đề nghị xem xét lại Quyết định số 3153/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh.


        II. Nguồn gốc thửa đất tranh chấp.
        Theo nội dung đơn tranh chấp ban đầu của bà Huỳnh Thị Xây, bà Phạm Thị Liên và ông Phạm Thanh, khu đất tranh chấp có diện tích 31.480m2 gồm 2 khu vực: thôn Tân Hưng, diện tích 17.788m2 và thôn Tân Hòa, diện tích 13.692m2. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh đến nay, bà Phạm Thị Liên và ông Phạm Thanh chỉ còn tranh chấp diện tích đất 17.788m2 tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan với ông Phạm Trị.
        - Theo đơn khiếu nại ngày 18/10/2006 của ông Phạm Thanh, khu đất tranh chấp 17.788m2 tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan là đất do gia đình gồm bà Xây, bà Liên, ông Thanh và ông Trị cùng góp công khai phá chứ không phải đất ông Phạm Trị sang nhượng lại của ông Huỳnh Nuôi và ông Phạm Thủy. Ông Thanh không cung cấp được giấy tờ pháp lý chứng minh việc khai phá khu đất tranh chấp, chỉ cung cấp giấy viết tay ngày 04/4/2004 của ông Nguyễn Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa xác nhận: “Từ năm 1986 đất đang tranh chấp do gia đình bà Xây và các con cùng khai phá”; ông Trần Bá Lại, nguyên Thôn trưởng thôn 1A và Chủ nhiệm HTX thuộc xã Tân Nghĩa cũ xác nhận “từ năm 1986, 03 chị em Liên, Trị và Thanh đến khai phá khu đất này”; ngoài ra, có 09 người khác ký tên xác nhận ngày 02/12/2005 với nội dung: “Trước đây có vần đổi công khai phá đất với gia đình ông Phạm Thanh”.
        - Theo ông Phạm Trị trình bày: Nguồn gốc khu đất này do ông sang nhượng lại của ông Phạm Thủy và ông Huỳnh Nuôi từ năm 1986 bằng giấy viết tay. Sau khi sang nhượng, ông có khai phá mở rộng thêm để trồng cây lâu năm. Đến năm 2000, ông xây dựng lò gạch có giấy đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận hiện trạng lò gạch và sản xuất cho đến khi xảy ra tranh chấp vào năm 2003. Ông Phạm Trị có cung cấp giấy sang nhượng đất lập ngày 12/6/1986 giữa ông Trị và ông Phạm Thủy, giấy sang nhượng công khai phá lập ngày 10/7/1987 giữa ông Trị và ông Huỳnh Nuôi. Nội dung 02 giấy này không ghi rõ diện tích sang nhượng, chưa được chính quyền xác nhận; riêng giấy sang nhượng công khai phá giữa ông Trị và ông Huỳnh Nuôi có ghi vị trí tứ cận.
        - Kết quả xác minh của Tổ Phúc tra giải quyết khiếu nại tỉnh: Năm 1979, ông Phạm Trị từ Quảng Ngãi vào Hàm Tân lập nghiệp. Năm 1984, ông Trị lập gia đình và đưa em trai là ông Phạm Thanh vào Hàm Tân sinh sống. Năm 1986, đưa chị là bà Phạm Thị Liên; năm 1990, đưa mẹ là bà Huỳnh Thị Xây chuyển vào Hàm Tân, cùng sống chung với ông Trị và ông Thanh ở căn nhà tạm tại khu vực gần chợ Tân Nghĩa, do ông Trị mua lại từ năm 1989. Vào các năm 1986, 1987, ông Trị có sang nhượng lại đất ruộng của ông Huỳnh Nuôi và ông Phạm Thủy tại khu vực đồi Hoa Mai, xã Tân Nghĩa (nay thuộc thôn Tân Hưng, xã Sông Phan). Sau đó, có khai thêm đất gò bên cạnh để trồng cây lâu năm và trồng màu. Thời điểm này, cả gia đình chủ yếu sinh sống bằng nghề sửa xe Honda và canh tác thêm ruộng rẫy. Năm 1995, ông Trị lập gia đình lần 2 (với bà Hồ Thị Kim Loan), cùng ở tại căn nhà gần chợ Tân Nghĩa. Năm 1997, bà Xây, Bà Liên, ông Thanh chuyển ra ở riêng tại căn cứ 10, xã Tân Nghĩa (gần với khu đất đang tranh chấp hiện nay) để thuận tiện cho việc trông coi ruộng, rẫy. Năm 2000, ông Trị xây dựng cơ sở sản xuất gạch trên khu đất tại thôn Tân Hưng, gồm 2 lò gạch, có cho riêng ông Thanh 01 lò để cùng sản xuất. Tại khu vực này, năm 2001, Công ty Xăng dầu Bà Rịa - Vũng Tàu (chi nhánh Bình Thuận) có thoả thuận đền bù cho vợ chồng ông Phạm Trị lô đất có diện tích 2.000m2 với số tiền 70.000.000 đồng (lô đất này nằm ngoài diện tích 17.788m2 đang tranh chấp).
        - Theo Tờ bản đồ số 44, Sổ dã ngoại lập năm 1993 đo đạc tại xã Tân Nghĩa nay thuộc địa phận xã Sông Phan, ông Phạm Trị đứng tên thửa đất số 148 diện tích 4.000m2, thửa kế tiếp 149 diện tích 2.900m2 và thửa 150 diện tích 2.500m2 đứng tên ông Huỳnh Tiếp nhưng thực tế do ông Phạm Trị sử dụng. Tổng diện tích 03 thửa là 9.400m2 , có mặt tiền giáp Quốc lộ 1A (nằm trong thửa đất tranh chấp tại thôn thôn Tân Hưng có diện tích 17.778m2).
        - Ngày 25/01/2007, tại UBND xã Sông Phan đã tổ chức cuộc họp gồm Chủ tịch và cán bộ UBND xã Sông Phan; các nhân chứng là ông Vũ Đức Sắp - nguyên Trưởng thôn Tân Hưng năm 1992, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng thôn Tân Hưng, ông Nguyễn Minh - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa (1986), ông Phạm Thủy (người sang nhượng đất cho ông Trị), ông Huỳnh Tấn Binh - người ở giáp ranh đất đang tranh chấp. Các nhân chứng đều xác nhận phần đất đang tranh chấp tại thôn Tân Hưng là do cả gia đình gồm bà Xây, ông Trị, bà Liên và ông Thanh cùng khai phá.
        - Ngày 17/7/2007, UBND huyện Hàm Tân tổ chức cuộc họp dân sinh sống tại khu vực đất đang tranh chấp và những người biết vụ việc để lấy ý kiến xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất tranh chấp của bà Huỳnh Thị Xây, bà Phạm Thị Liên, ông Phạm Trị và ông Phạm Thanh. Kết quả đa số ý kiến đều công nhận là tất cả các thành viên trong gia đình (bà Xây, bà Liên, ông Thanh và ông Trị) đều có sự tham gia đóng góp công sức trong việc khai hoang phục hóa diện tích đất đang tranh chấp và đề nghị chính quyền xem xét, giải quyết sao cho mỗi bên đều có đất để làm ăn, sinh sống.