Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh hoàn thành công tác thẩm tra phục vụ kỳ họp chuyên đề (lần 7) – HĐND tỉnh khóa X

14:9' 29/9/2020

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật định và theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, trong tháng 9/2020, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành liên quan, tổ chức họp Ban để thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp chuyên đề (lần 7); đến nay, Ban đã hoàn thành công tác thẩm tra đối với 07 nội dung trình tại kỳ họp, kết quả cụ thể đối với từng nội dung như sau:

 

1. Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp Bệnh viện huyện Tánh Linh: Dự án Nâng cấp Bệnh viện huyện Tánh Linh là dự án trọng điểm nhóm C (theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014), được HĐND tỉnh cho ý kiến về chủ trương đầu tư tại Công văn số 1747/HĐND-KTXH ngày 30/10/2015 (gồm: Tên dự án; mục tiêu đầu tư xây dựng công trình; đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; nội dung và quy mô đầu tư; địa điểm xây dựng; dự kiến tổng mức đầu tư; nguồn vốn đầu tư; thời gian thực hiện dự án). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 với tổng mức đầu tư 39.360,6 triệu đồng.

Để phù hợp với tình hình thực tế, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của quy mô đầu tư và thời gian thực hiện dự án để đảm bảo thời gian thi công, kế hoạch bố trí vốn và quyết toán công trình. Việc điều chỉnh, bổ sung chủ trương lần này kinh phí tăng thêm khoảng 2.300 triệu đồng được sử dụng từ chi phí dự phòng được duyệt (6.270 triệu đồng) nên không làm vượt tổng mức đầu tư theo chủ trương đã được phê duyệt.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất việc điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp Bệnh viện huyện Tánh Linh theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 3458/TTr-UBND ngày 10/9/2020.

2. Về việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện dự án Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận: Dự án Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 1816/HĐND-KTXH ngày 30/10/2015 với tổng mức đầu tư là 200.313 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu về Phát triển văn hóa là 150.000 triệu đồng, nguồn vốn xổ số kiến thiết của tỉnh 50.313 triệu đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách Trung ương không bố trí cho dự án, nên UBND tỉnh đã bố trí nguồn vốn xổ số kiến thiết để triển khai, thực hiện dự án.

Đây là công trình trọng điểm của tỉnh đang triển khai, do đó việc điều chỉnh nguồn vốn để làm cơ sở tiếp tục bố trí vốn từ ngân sách tỉnh là rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ công trình. Mặt khác, để có thời gian giải ngân nguồn vốn trên sau khi điều chỉnh, việc UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là phù hợp. Do đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Tờ trình số 3725/TTr-UBND ngày 24/9/2020.

3. Về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh; phân khai chi tiết nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020 và nguồn vốn dự phòng xổ số kiến thiết năm 2019: Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Để đảm bảo giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương đạt kế hoạch đề ra, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh; phân khai chi tiết nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020 và nguồn vốn dự phòng xổ số kiến thiết năm 2019 tại kỳ họp lần này là phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.

Đối với nguồn vốn dự phòng ngân sách tập trung tỉnh năm 2020: Tại Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 02/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2020, HĐND tỉnh bố trí dự phòng nguồn ngân sách tập trung là 42.000 triệu đồng. Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh đề nghị bổ sung kế hoạch vốn và phân bổ 20.000 triệu đồng cho các công trình cần bổ sung vốn để thanh quyết toán. Còn lại 22.000 triệu đồng: UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh giao UBND tỉnh phân chi tiết cho các dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó ưu tiên cho 2 dự án: Trạm bơm Hồng Liêm và hệ thống kênh tưới, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình; Hồ chứa nước Phan Dũng khi 2 dự án này được phê duyệt, đủ điều kiện phân bổ vốn). Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh.

Đối với nguồn vốn dự phòng xổ số kiến thiết năm 2019: Tại Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2019, HĐND tỉnh bố trí dự phòng nguồn vốn xổ số kiến thiết là 65.000 triệu đồng. Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh đề nghị bổ sung kế hoạch vốn và phân bổ chi tiết cho các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế để đảm bảo tỷ lệ bố trí tối thiểu 60% nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế theo quy định và để kịp thời giải ngân hết nguồn vốn ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh.

Đối với nguồn vốn dự phòng xổ số kiến thiết năm 2020: Tại Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 02/12/2019, HĐND tỉnh bố trí dự phòng nguồn vốn xổ số kiến thiết là 186.202 triệu đồng. Do phân bổ cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế chỉ mới đạt 51,06%, nên cần thiết phải bổ sung thêm 85.000 triệu đồng để đạt tỷ lệ tối thiểu 60%. Còn lại 101.202 triệu đồng phân bổ cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, công trình phúc lợi xã hội khác.

Trong 85.000 triệu đồng bố trí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế chỉ mới phân bổ được 33.739 triệu đồng, còn lại 51.261 triệu đồng chưa có khối lượng, tiếp tục để lại dự phòng, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh giao UBND tỉnh phân khai cho các dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của tỉnh.

4. Về việc điều chỉnh, bổ sung vốn thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Sông Dinh 3, huyện Hàm Tân: Dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Sông Dinh 3 (giai đoạn 1), huyện Hàm Tân được khởi công từ năm 2009. Từ lúc khởi công đến nay, tiến độ thực hiện Dự án chậm chủ yếu do vướng mắc trong việc bồi thường cho các hộ dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hồ Sông Dinh 3 tích nước ở cao trình ngưỡng tràn +40.00 m là 15,29 triệu m3; ở cao trình +41.00 m là 19,93 triệu m3; với dung tích tích nước như trên chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước của địa phương và đặc biệt là việc thiếu nước trong mùa khô (như trong các tháng mùa khô năm 2015 đến 2017 và mùa khô năm 2019). Nếu được bố trí vốn để thực hiện hoàn thành công tác đền bù giải tỏa thì công trình sẽ tích nước đến cao trình +43.00 m tương ứng với dung tích 32,19 triệu m3 (tăng thêm khoảng 12,26 triệu m3 so với dung tích ở cao trình +41.00 m đang tích hiện nay). Việc tăng thêm dung tích 12,26 triệu m3 nước là rất cần thiết trong điều kiện khô hạn hiện nay nhằm cơ bản đáp ứng được nhu cầu dùng nước trong các tháng mùa khô cho người dân của huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

Do đó, việc bổ sung vốn để thực hiện công tác đền bù dự án rất cấp bách, nếu kéo dài sẽ phát sinh kinh phí đền bù do giá đất thay đổi, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân. UBND tỉnh đề nghị cho phép sử dụng vốn dự phòng chưa phân khai tại Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh và nguồn vượt thu tiền sử dụng đất năm 2019 để thực hiện các công việc còn lại của Dự án là cần thiết. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 3500/TTr-UBND ngày 11/9/2020.

5. Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ: Dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là dự án nhóm B, được HĐND tỉnh cho ý kiến về chủ trương đầu tư tại Công văn số 982/HĐND-TH ngày 25/10/2018, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2965/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2220/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 với tổng mức đầu tư 72.225 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (vốn ngân sách tập trung và xổ số kiến thiết) giai đoạn 2016 - 2020 và chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thực hiện là 5 năm.

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh nhận thấy đầu tư tuyến đường từ ngã ba xã Đông Giang vào Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là cần thiết góp phần kết nối các điểm du dịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và nối liền các xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc với xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Tuyến đường đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho bổ sung vào dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ tại Thông báo số 712-TB/VPTU ngày 09/5/2019. Do đó, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án đối với các nội dung: (1) quy mô đầu tư: Bổ sung việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ ngã ba xã Đông Giang vào Khu di tích; (2) tổng mức đầu tư dự án: Từ 72.225 triệu đồng lên 127.658 triệu đồng (tăng 55.433 triệu đồng là phần tổng mức đầu tư bổ sung của tuyến đường Nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ xã Đông Giang vào Khu di tích); (3) thời gian thực hiện: 04 năm (cuối giai đoạn 2016 - 2020 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025) để phù hợp với đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển 3,69 ha rừng tự nhiên sang mục đích khác tại Công văn số 1018/TTg-NN ngày 31/7/2020.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất việc điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 3457/TTr-UBND ngày 10/9/2020.

6. Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết: Hiện nay, công trình tuyến đường Lê Duẩn đã được thi công hoàn thành; trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh vỉa hè, công viên cây xanh; công viên Nguyễn Tất Thành (phần tiếp giáp với Khu đô thị biển Phan Thiết) đã được đầu tư nâng cấp. Còn lại phần vỉa hè và hệ thống thoát nước của đường Nguyễn Tất Thành (đoạn giữa tuyến đường Lê Duẩn và công viên Nguyễn Tất Thành) một số đoạn đã xuống cấp làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, không đồng bộ với các khu vực lân cận. Mặt khác, đây là tuyến đường trung tâm của thành phố Phan Thiết, kết nối với khu vực bãi biển Đồi Dương, là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Vì vậy, việc đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự đồng bộ và giải quyết việc ngập úng cục bộ của trục đường Nguyễn Tất Thành, góp phần chỉnh trang đô thị và thu hút khách du lịch đến với thành phố Phan Thiết. Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, hạ tầng hoàn chỉnh theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phan Thiết.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh quan tâm một số vấn đề sau:

(1) Hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải: Đảm bảo vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo mỹ quan, nhất là việc đầu tư các hố ga.

(2) Giao chủ đầu tư làm việc với các chủ đầu tư các dự án (Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh, Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, Khách sạn TTC) để đảm bảo các đơn vị khi đầu tư xây dựng các dự án, phần lát vỉa hè khu vực dự án phải đồng bộ với hạng mục đầu tư của dự án này.

(3) Giao Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan như Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận, Công ty Điện lực Bình Thuận, Viễn thông Bình Thuận, Viettel Bình Thuận, … để đảm bảo thực hiện dự án một cách thống nhất, tránh việc đầu tư xong rồi đào lên làm lại các hạng mục khác.

7. Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trụ sở làm việc các cơ quan xã Sông Phan, huyện Hàm Tân: Việc đầu tư xây dựng mới Trụ sở làm việc các cơ quan của xã Sông Phan, huyện Hàm Tân là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nơi làm việc cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã Sông Phan do phải di dời trụ sở làm việc cũ để bàn giao mặt bằng cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Trụ sở xã Sông Phan hiện tại có tổng diện tích 9.623,2 m2, tổng diện tích đất bị thu hồi là 851,2 m2 nên chỉ được tính toán bồi thường với giá trị 7.000 triệu đồng. Phần diện tích còn lại 8.772 m2 nằm trong hành lang an toàn của cầu vượt cao tốc không được bồi thường).

Về nguồn vốn thực hiện dự án: Đề xuất nguồn vốn phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh và kinh phí bồi thường của Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể: Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 21.825 triệu đồng; trong đó nguồn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là 7.000 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh cân đối trong giai đoạn 2021 - 2025 là 14.825 triệu đồng.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Hàm Tân có phương án bố trí, sắp xếp cơ sở nhà đất tại vị trí Trụ sở xã Sông Phan (cũ) theo đúng quy định pháp luật./.

                                       BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH