Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận tình hình kinh tế, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2023

16:4' 12/7/2023

Sáng ngày 11/7/2023, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế -xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm 2023; đại biểu Lâm Hồng Tuyên đã thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu một số nội dung sau:

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống cao với Báo cáo UBND tỉnh đã trình bày; những đánh giá của UBND tỉnh trong báo cáo là sát hợp với tình hình thực tế; trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức; song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự nổ lực của các ngành, các cấp và sự đồng tỉnh ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực, cụ thể:

Tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,76%, đứng thứ 11 cả nước và đứng 3 khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung, phục hồi gần bằng 6 tháng đầu năm 2019 thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế tỉnh ta trên đà hồi phục và phát triển.

Đại biểu Lâm Hồng Tuyên phát biểu tại kỳ họp thứ 15-HĐND tỉnh khóa XI.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có khởi sắc hơn trước (tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2022); tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn (chỉ tăng 0,58%, riêng trong tháng 6/2023 giảm 5,92%).

Ngoài ra, qua theo dõi, giám sát, hoạt động của các khu, cụm công nghiệp thực tế cho thấy, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư thứ cấp còn hạn chế, hầu như thời gian qua vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp, trong khi diện tích đất khu, cụm công nghiệp còn rất lớn, gây lãng phí. 

Sản xuất nông, lâm, thủy sản khá toàn diện và ổn định, tuy nhiên sản xuất tôm giống còn gặp khó khăn do ảnh hưởng sản lượng xuất khẩu tôm thịt giảm; giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, tạo áp lực đối với người sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý trong nhiều năm qua chúng ta luôn đề cập đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.

Về du lịch, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, trong 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp, lượt khách và doanh thu du lịch tăng cao so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành, khai thác hai tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và tăng thêm một số tuyến tàu cao tốc đi Phan Thiết-Phú Quý đã làm gia tăng lượng du khách du lịch đến với Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm.

Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 do lạm phát và suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh; đơn hàng xuất khẩu giảm làm cho nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Một số mặt hàng như thủy sản, sản phẩm gỗ, giày dép kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về thu, chi ngân sách: Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp nhất trong 2 năm gần đây (thu nội địa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 95,83% và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 80,61% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao), trong khi thu nội địa 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 54,28%; có đến 12/16 khoản thu giảm so với cùng kỳ.

Trong 06/16 khoản thu ngân sách nhà nước đạt dưới 50% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, trong đó thu tiền thuê đất, mặt nước (đạt 33,66%), thu tiền sử dụng đất (đạt 19,99%) là đáng chú ý. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản trầm lắng, các hoạt động đấu giá đất, giao đất, giải phóng mặt bằng của tỉnh tiếp tục bị ngưng trệ.

Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 nhìn chung đã bám sát dự toán đề ra, đảm bảo kinh phí chi trả lương, các khoản phụ cấp theo lương, chi hoạt động của bộ máy hành chính, kinh phí đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển: Tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển đến ngày 12/5/2023 đạt 25,96% kế hoạch Chính phủ giao đầu năm 2023 (đạt 35,01% so với kế hoạch vốn được giao), giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022; cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (4,54%); ước giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 48,42% kế hoạch.

Giải ngân các công trình, dự án trọng điểm 6 tháng đầu năm đạt 9,45% so với kế hoạch; ước giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 20,46% so với kế hoạch.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, nguyên nhân giải ngân thấp do công tác chuẩn bị lập hồ sơ dự án đầu tư chậm, một số dự án còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng; kế hoạch sử dụng đất năm 2023 chưa được phê duyệt; quy định về phòng cháy, chữa cháy, giá cả nguyên vật liệu, nhân công tăng cao, làm tăng tổng mức đầu tư, dự án phải phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, ảnh hưởng đến việc giao kế hoạch vốn, tiến độ thực hiện và giải ngân.

Qua theo dõi, có 3 nội dung các năm qua đều giải ngân thấp đó là: Vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, Vốn ngoài nước (ODA), Vốn đầu tư từ bội chi ngân sách địa phương. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 đạt kế hoạch đề ra trong thời gian tới, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh quan tâm một số nội dung sau:

Tiếp tục tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ; tăng cường công tác kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước quy định. Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu, tham khảo các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, cân đối tăng định mức chi thường xuyên để đảm bảo kinh phí cho hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời ổn định tâm lý làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chỉ đạo, tạo sự tăng trưởng ổn định trong các ngành nhằm phát huy tốt nhất năng lực sản xuất hiện có, tiếp tục cho rà soát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai và đi vào hoạt động làm động lực cho phát triển kinh tế của địa phương.

Tiến độ triển khai một số dự án khởi công mới năm 2023 chậm so với yêu cầu; việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm. Cần phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thực hiện đạt kế hoạch giao.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng vẫn ở mức thấp; do đó trong thời gian còn lại của năm 2023, đề nghị UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; tăng cường kiểm tra, đốn đốc các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ.

Đến hết tháng 6/2023, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 còn lại là 817.771 triệu đồng (vốn tập trung trong nước 23.930 triệu đồng; xổ số kiến thiết 793.841 triệu đồng), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công trình HĐND tỉnh phân khai trong các kỳ họp tiếp theo để đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công: Vẫn còn có công trình, dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, chưa đánh giá hết tính cấp thiết và hiệu quả của dự án, dẫn đến khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung hoặc không được thông qua gây lãng phí nguồn lực về con người và tài chính, đề nghị UBND tỉnh phải có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh nội dung này.

Tập trung thực hiện đánh giá các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024./.

Tấn Duy